1. “Còn xuân còn tết, thì còn tặng chữ cho nhau/ Còn gửi gắm tình yêu đời, yêu người qua nét chữ”, nghệ nhân Chính Trung (70 tuổi, Trường phái Tâm Thư Pháp) - người gắn bó với thư pháp gần 25 năm, đọc đôi dòng như thế. Nghệ nhân vui vẻ nói, hiện có rất nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ, yêu thích thư pháp, thích xin chữ ngày tết tặng người thân, như ai cũng yêu thích hoa mai khi tết đến vậy…
Những ngày đầu năm nắng đẹp, người người du xuân, tham quan đường hoa, đường sách, đi chùa cầu an, xin chữ, xin lộc… Xếp hàng hơn 15 phút mới đến lượt xin chữ tại không gian Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023, bạn Dương Thị Bảo Ngọc (28 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) chăm chú nhìn theo những nét chữ của ông đồ. Từng nét chữ vừa phóng khoáng, mềm mại lại đủ ý, đủ tình cứ thế hiện lên trên giấy. “Mình xin chữ “Thọ”, chữ “Ân” và chữ “Sống vui”. Chữ “Thọ” mình tặng ông ngoại, mong ông luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu. Chữ “Ân” tặng cha mẹ, tỏ bày lòng hiếu thuận, biết ơn. Còn chữ “Sống vui” là dành tặng bản thân. Chữ “Sống vui” treo ở nhà cũng nhắc nhở mình, dù có thế nào cũng phải giữ tâm bình tĩnh, lòng an nhiên mà sống tích cực, vui vẻ”, Bảo Ngọc kể.
Tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TPHCM) chiều mùng 1 Tết, gia đình ba thế hệ của anh Hoàng Minh Tuấn, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (34 tuổi, ngụ chung cư Masteri An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) cũng háo hức xin chữ. Năm nay, gia đình anh Tuấn xin chữ “Bình an”, mong cầu sức khỏe, an lành. “Mỗi lần tết đến, đi xin chữ, tôi luôn háo hức. Càng lớn, mình càng trân trọng chữ viết, hiểu rõ sâu sắc ý nghĩa các chữ được tặng”, anh Tuấn chia sẻ.
Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, xuất phát từ truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng thầy, thể hiện ước vọng tốt đẹp trong năm mới. Mỗi chữ được viết không đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn thể hiện tấm lòng, tâm hồn, sự sáng tạo của ông đồ, người viết. Trân trọng nét đẹp truyền thống đó, tại TPHCM đã có không ít bạn trẻ tìm hiểu và học thư pháp. Phố ông đồ tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM năm nay quy tụ tới 50 ông đồ trẻ.
2. “Tết này, nhiều xu hướng mới lắm, nhảm nhí cũng có, dễ thương cũng có. Trong số đó, trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều bạn trẻ chọn cách đưa hình ảnh, video sum họp đầm ấm bên gia đình, gói bánh, làm cơm đón ông bà và cả phong tục lì xì chúc nhau sức khỏe, bình an. Đó là những nét đẹp văn hóa mà bạn trẻ ngày nay nên hướng tới”, Vinh Nguyễn, một tham vấn viên truyền thông chia sẻ.
Nguyễn Thùy Vân (sinh viên ĐH KHXH-NV TPHCM) kể, năm nay, sau hai năm, toàn thể gia đình bạn từ khắp nơi có được nguyên ngày mùng 1 Tết về chúc và ăn tết với ông bà nội ở Tiền Giang. “Phải nói là vui lắm luôn, cả đại gia đình hơn 30 con người, cùng ăn bữa cơm đoàn viên, cùng chơi các trò chơi dân gian ngày tết. Thực ra, cảm động nhất là hình ảnh tất cả con cháu trong gia đình 3 thế hệ đều khoanh trước mặt ông bà gửi lời chúc tết và nhận lì xì, mừng tuổi đầu năm. Hình ảnh ba mẹ tôi, dù tóc đã điểm bạc vẫn lễ phép khoanh tay chúc tết ông bà, thực đáng để chúng tôi học hỏi, để tạo một nếp sống lễ nghi, thân tình cho gia đình nhỏ mình sau này”, Thùy Vân chia sẻ câu chuyện và hình ảnh trên trang cá nhân.
Giữa những thật - giả trên môi trường mạng xã hội thì việc giữ gìn và phát huy những giá trị đẹp như trên, rất cần được phát huy. “Đó không phải là hình thức đâu, mọi người đừng nghĩ người trẻ hời hợt chỉ làm theo trend, để đăng mạng xã hội kiếm lượt xem, lượt thích. Chúng tôi có suy nghĩ, tuổi trẻ nào rồi cũng qua, chỉ có điều chúng ta còn lại gì trong hành trang giá trị sống mà mỗi người có được? Đó phải là hành trang của yêu thương, để đem giá trị đó áp dụng vào chính cuộc sống của mình sau này. Trend của chúng tôi là giá trị, là yêu thương”.
"Tặng chữ không chỉ là tặng chữ qua cách viết sao cho đẹp mà còn ký thác tư tưởng người viết, hồn văn hóa Việt cho đồng bào. Ngày tết, trao chữ còn là trao yêu thương, trao nghĩa, trao tình…"
- Nghệ nhân Chính Trung