Văn hóa Việt Nam có nhiều đặc trưng độc đáo, trong đó có văn hóa Tết Nguyên đán. Không phải ngẫu nhiên nói cho thuận miệng, thuận vần khi người Việt ta sử dụng cụm từ “tết đến, xuân về”. 3 ngày tết cổ truyền của dân tộc là khởi đầu và cũng là hội tụ của mùa xuân. Phạm trù hội tụ xuân của những ngày tết rất sâu rộng.
Tuy nhiên, vẫn có thể thấy rõ cốt lõi của cuộc hội tụ ngày tết qua câu nói dân gian truyền khẩu từ đời này qua đời khác: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Văn hóa tết chính là văn hóa hội tụ. Hội tụ gia đình, hội tụ xã hội. Hội tụ để tỏa sáng đạo lý làm người. Người ta có nhiều cái để phấn đấu, nhiều thứ để vươn lên, để chinh phục. Với người Việt, những thứ ấy đều phải đi lên từ một nền tảng hiếu, nghĩa.
Cha mẹ sinh con, dù không nói ra nhưng hết thảy đều mong mỏi đứa con có hiếu. Từ thời xa xưa cho tới nay, người Việt ta không bao giờ chấp nhận những đứa con bất hiếu, bất nghĩa. Đây không chỉ là một thói xấu. Đấy là một tội lỗi.
Những kẻ bất hiếu, bất nghĩa luôn bị người đời khinh bỉ cho dù người đó có công thành danh toại tới mức nào.
Hiếu, nghĩa thể hiện trong những ngày tết tuy chỉ mang tính tượng trưng nhưng cũng hết sức có ý nghĩa. Chính vì vậy, hết thảy người dân Việt xa gia đình, xa quê đều có chung một mong mỏi được về thăm chúc tết cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo thuở còn thơ và những người bạn thời niên thiếu. Ngày tết là những ngày thân tình, có thể xóa bỏ những hiềm khích, thù hận.
Dân gian có câu “Dẫu nghèo khó quanh năm vẫn giàu có ba ngày tết”. Cái chính của sự giàu ba ngày tết là tình cảm. Điều này thể hiện rất rõ trong phong tục, tập quán, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. Tưởng nhớ tổ tiên và những người có công dựng nước, giữ nước. Già mừng thọ, trẻ mừng tuổi, kính trên nhường dưới, báo đáp ân tình, ôn cố tri tân, thân ái cộng đồng luôn được coi là đạo lý, nguyên tắc trong ứng xử ba ngày tết. Chính vì hội tụ những nét đẹp rực rỡ như vậy nên ý nghĩa trọng đại, thiêng liêng của những ngày tết luôn được giữ gìn, lưu truyền.
Dân gian có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Hiếu, nghĩa ngày tết thể hiện nhiều ở tình cảm. Lời chúc, lời chào hỏi, chia sẻ, động viên… có giá trị cao hơn cả hiện vật. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, một cái tết tiết kiệm về vật chất là cần thiết. Nhưng tình cảm, tinh thần phải giàu hơn, phong phú hơn.
HOÀNG TÂN