Ngày trước, cuộc sống người miền quê phần đông còn nhiều kham khổ. Con trai, con gái đâu có áo mới ngày một ngày hai như bây giờ. Người già và lũ trẻ con muốn có tấm áo mới chỉ còn biết trông chờ vào dịp tết, ngày khai trường...
Trong những bộ quần áo của người miền quê, có vài bộ “đồ vía” dùng để dự đám tiệc, hội hè được giữ gìn cẩn thận trong vali, hoặc mắc trang trọng trong tủ đứng. Số còn lại thường ngày được “chăm sóc” kỹ lưỡng.
Ngày ấy, mẹ tôi có một cái rổ may lổn nhổn kim chỉ, dao kéo và có những tấm vải đủ sắc màu cuộn thành những cuộn tròn do mẹ xin ở các hiệu may về cất giữ như báu vật để phòng khi vá áo cho những người thân yêu trong gia đình. Những chiếc áo của cha và chị em tôi bị sờn rách được mẹ đặc biệt quan tâm.
Có những chiều đông mẹ lặng lẽ ngồi bên thềm nhà vá áo cho cha. Đường kim, mũi chỉ của mẹ thẳng tắp, đều đặn đã đành, những miếng vá trên vai áo, lưng áo được mẹ cắt xén rất khéo. Mẹ lấy việc vá áo cho chồng, cho con làm niềm vui thật sự.
Có một lần tôi bưng chiếc rổ may của mẹ ra sộn sạo, lấy kim chỉ tự ngồi vá áo cho riêng mình. Đường kim, mũi chỉ của tôi như con rắn trườn lên lưng áo, mẹ nhìn thấy, ôm bụng cười ngặt nghẽo. Mẹ rút bỏ đường chỉ và may lại một cách ngon lành. Mỗi lần mặc chiếc áo mẹ vá, tôi vui ra mặt. Sau này lớn lên những khi mặc chiếc áo của mẹ vá, tôi không chỉ vui mà còn thấy ấm lòng.
Bởi mỗi đường kim, mũi chỉ của mẹ là tình thương vô bờ bến dành cho tôi. Rồi tóc mẹ pha sương, mỗi lần vá áo, mẹ gọi tôi đến nhờ xỏ chỉ qua trôn kim. Đường kim, mũi chỉ của mẹ không còn sắc sảo như xưa, nhưng mẹ vẫn cần mẫn ngồi hàng giờ vá áo.
Sau ngày mẹ mất, chiếc rổ may được chị cả cất giữ như kỷ vật. Lâu lâu chị về thăm nhà, công việc đầu tiên của chị là soạn cho bằng hết quần áo của cha và chị em tôi, tìm những chiếc áo sờn rách đem ra ngồi tỉ mẩn khâu vá.
Vừa vá áo, chị vừa hỏi thăm việc nhà và kể lại cho cha nghe chuyện làm dâu xứ người. Có lúc tôi bất chợt nhìn thấy chị cả rơi nước mắt. Tôi không hiểu đấy là nước mắt chị khóc thương cho cha thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, hay khóc vì tủi hờn làm dâu nhà người ta trăm đắng, ngàn cay?
Bây giờ không mấy ai ngồi vá áo cho chồng lúc trời sang đông lạnh giá. Và cũng không mấy ai có những chiếc rổ may một thời kỷ niệm. Cực chẳng đã người ta mới đưa lên máy khâu vá những chiếc áo mới rách bất chợt, vì áo quần chưa cũ hẳn đã bị vứt đi rồi.
Tuy biết vậy, tôi cũng không sao quên được hình ảnh của mẹ, của chị ngồi vá áo cho cha con tôi vào cái thời cơm chưa đủ no lòng, nhưng con người ta sống với nhau luôn giàu lòng thủy chung, nhân hậu
TRẦN QUỐC CƯỠNG