Câu chuyện của Alibaba
Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó! (tác giả, đạo diễn: Vũ Minh) là một câu chuyện vui nhộn mang màu sắc Trung Đông và Ấn Độ, được sân khấu IDECAF đầu tư hoành tráng, từ số lượng 80 diễn viên tham gia, thiết kế các cảnh trí đại cảnh theo phong cách 3D, đầu tư hơn 100 bộ phục trang lộng lẫy sắc màu, sáng tác 6 ca khúc và dàn dựng đến 7 bài múa. Tổng chi phí hoàn thành chương trình là hơn 650 triệu đồng - một con số khủng dành cho kịch thiếu nhi, cao gần gấp đôi so với chi phí đầu tư chương trình Ngày xửa ngày xưa năm 2017 là 350 triệu đồng.
Đạo diễn Vũ Minh cho biết: “Nhờ ông bầu chịu chơi, đồng ý với ý tưởng đề xuất, tôi mới dám bắt tay làm. Tôi đặt tên vở kịch dài theo kiểu văn nói như thế để tạo sự chú ý với khán giả, vì chỉ cần đọc cái tựa thôi đã thấy có sự hài hước, dí dỏm. Tên các nhân vật trong câu chuyện cũng được đặt theo tiêu chí hài hước như: Alêpêdê, Alơtơmơ, Aluxubu, Aletete… Kịch vẫn dựa trên câu chuyện có sẵn được biến tấu thêm những tình tiết, tình huống kịch vui, lạ, thú vị, mang tính giải trí cao, phù hợp với thị hiếu của khán giả thiếu nhi. Đặc biệt, trên sân khấu sẽ xuất hiện đầy đủ 40 tên cướp, chứ không phải chỉ có vài tên cướp đại diện”.
Những tên cướp được xây dựng với hình tượng không độc ác, chỉ là mỗi tên cướp có những tính xấu riêng, thích sự vui nhộn, nhí nhố, khoái ca múa. Kịch gửi gắm đến người xem thông điệp nên làm điều thiện, điều tốt, giúp đỡ người nghèo, ngợi ca sự dũng cảm, lòng nhân ái, phê phán thói tham lam, sự dối trá, tính ích kỷ. Nhiều đại cảnh được dàn dựng hoành tráng: 40 chiếc lu được sắp xếp đầy sân khấu, hang động lớn với những thùng vàng lấp lánh, màn trình diễn thời trang vàng - bạc rực rỡ, chói lóa, phiên chợ Ba Tư nhộn nhịp, cây đèn thần to đùng... Các nhân vật có nhiều trò diễn, hành động nhảy múa tập thể và những màn đối đáp vui nhộn, không có cảnh đánh nhau bạo lực, nhiều vấn đề thời sự xã hội cũng được khéo léo đưa vào câu chuyện.
Tham gia chương trình năm nay vẫn là dàn nghệ sĩ, diễn viên quen thuộc như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, diễn viên Đình Toàn, Hoàng Trinh, Bạch Long, Đức Thịnh, Hương Giang, Quốc Tuấn, Dương Lâm, Don Nguyễn, Trường Thịnh, Quốc Trung, Nguyễn Huy... bên cạnh sự góp sức của các diễn viên mới, trẻ thuộc “lò đào tạo” diễn viên sân khấu của đạo diễn Vũ Minh.
Làm sân khấu thiếu nhi - chuyện không dễ
Nhiều năm qua, TPHCM ngày càng thưa vắng những chương trình, sân khấu nghệ thuật chất lượng, ý nghĩa dành riêng cho thiếu nhi. Với tình hình kinh tế khó khăn, công tác tổ chức biểu diễn có nhiều trở ngại, từ tác giả, kịch bản, đạo diễn, diễn viên, địa điểm - cơ sở vật chất nên các đơn vị văn hóa cơ sở chuyên hoạt động phục vụ thiếu nhi và các đơn vị nghệ thuật tư nhân gần như buông tay với mảng sân khấu thiếu nhi. Nhìn lại, tại thành phố, suốt một năm chỉ có mỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa còn giữ được vị thế, có sức hút riêng biệt, được sân khấu IDECAF nỗ lực duy trì vào dịp hè, tạo điều kiện giải trí cho thiếu nhi và phụ huynh.
Đạo diễn, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Cách đây 4 năm, khi Hãng phim Trẻ hợp tác cùng IDECAF thu hình chương trình Ngày xửa ngày xưa, sau khi chương trình vừa kết thúc được 3 tháng thì hãng phát hành ngay DVD. Chính vì thời gian quá nhanh, khán giả phụ huynh nhanh chóng truyền tai nhau, không đến mua vé xem chương trình nữa, chỉ cần chờ 3 tháng sau, bỏ 10.000 đồng để mua đĩa lậu là tha hồ xem. Sự việc này khiến chương trình giảm ngay 40% lượng khán giả.
Chúng tôi xấc bấc xang bang. Tôi phải nhanh chóng đổi chiến lược, không phát hành DVD sớm nữa, khán giả mua vé sẽ được tặng kèm quà là DVD Ngày xửa ngày xưa những năm trước và sách hình màu chương trình mới nhất. Riêng năm nay, giá vé có tăng lên một chút vì tiền thuê mướn mặt bằng lên, điện tăng giá…, thật khó giữ giá vé như cũ. Chỉ mong khán giả thông cảm, tiếp tục ủng hộ”.
Khi làm chương trình cho thiếu nhi, ê kíp IDECAF tâm niệm phải đầu tư đàng hoàng, phải làm cho các em thấy được sự tươi mới, hấp dẫn từ mỗi chương trình khác nhau. Vậy nên, dù chương trình năm ngoái có đầu tư kinh phí lớn cho phục trang, cảnh trí… thì năm nay vẫn không sử dụng lại. Tất cả đều được đầu tư mới toanh, lộng lẫy sắc màu, tạo được sức thu hút đặc biệt, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả nhỏ tuổi.
Ngoài số vé bán ra phục vụ khán giả có điều kiện, IDECAF đều dành từ 50 - 100 vé/suất để trao tặng cho các mái ấm, nhà mở. Chỉ cần các đơn vị này có nhu cầu và liên hệ IDECAF sẽ nhanh chóng sắp xếp, tặng vé. Chương trình lần này đã lên lịch 27 suất diễn phục vụ khán giả từ ngày 26-5 đến 1-7 tại Nhà hát Bến Thành. Sau đó, chương trình sẽ được tái diễn vài suất vào dịp Tết Trung thu.