TPHCM: Đề thi Toán tăng số lượng câu hỏi thực tế
Đánh giá đề thi môn Toán tại TPHCM, thầy Lê Văn Chương, Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết, cấu trúc đề thi năm nay giống đề tuyển sinh năm trước nhưng độ khó nhỉnh hơn, đặc biệt ở phần hình học. Trong đó, câu hỏi số 6 về hình học không gian đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức hình học, vận dụng tốt công thức mới có thể làm được. Ngoài ra, thầy cho biết, đề thi năm nay có nội dung phù hợp trọng tâm ôn tập, tất cả câu hỏi đều có dạng đề quen thuộc thí sinh đã được ôn tập. Năm nay, tỷ lệ câu hỏi thực tế nhiều hơn năm ngoái góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, phù hợp với tinh thần đổi mới dạy và học trong các trường phổ thông.
Thầy Lê Văn Chương dự đoán, phổ điểm thi năm nay sẽ tương đương năm trước, học sinh có học lực khá, giỏi có thể đạt 7-8 điểm, học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thanh Tùng, Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) nhìn nhận, nội dung đề thi trải dài kiến thức trong chương trình học. Trong đó, một số câu hỏi có dữ kiện ra hơi rối, học sinh phải có kỹ năng phân tích dữ kiện mới làm được. Sự phân hóa nằm ở câu hỏi hình học. Riêng câu số 6 liên quan đến kiến thức hình học dù có nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng do tích hợp thêm một số khái niệm của môn địa lý đã học ở lớp 6 khiến nhiều học sinh quên, không thể vận dụng để giải bài toán.
Ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Colette (quận 3), em Huỳnh Quang Lộc, học sinh lớp 9A6, Trường THCS Bàn Cờ là thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi. “Tuy hoàn thành hết tất cả câu hỏi trong đề thi nhưng em không chắc về đáp án của mình, đặc biệt ở câu tính thể tích trái đất”, Quang Lộc cho biết.
Hà Nội: Môn tiếng Anh và Lịch sử đều “dễ thở”
Tại Hà Nội, sau khi kết thúc buổi thi môn Ngoại ngữ, nhiều thí sinh phấn khởi cho biết hoàn thành bài thi chỉ trong thời gian 40 phút, trong khi thời gian làm bài là 60 phút. Tương tự, đối với môn Lịch sử, nhiều thí sinh đánh giá đề thi năm nay phần nhiều là kiến thức cơ bản, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa là có thể làm được. Nhìn chung, đề thi không có câu hỏi khó, lắt léo hay đánh đố thí sinh.
Đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Thăng Long, thí sinh Phan Hoàng Hải, học sinh trường THCS Lê Ngọc Hân tự tin dự đoán năm nay sẽ có nhiều bạn đạt điểm 9-10 ở hai môn thi này. Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú và THCS Ngô Sỹ Liên, rất nhiều thí sinh hoàn thành bài thi từ rất sớm.
Nguyễn Anh Thư, học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, đề thi Tiếng Anh gồm 40 câu hỏi, trong đó có 32 câu trắc nghiệm và 8 câu tự luận, riêng môn Lịch sử có 40 câu trắc nghiệm nhưng đều dễ thở, liên quan kiến thức đã học trong chương trình.
Với học sinh Hà Nội, đây là năm đầu tiên hai môn tiếng Anh và Lịch sử có mặt trong kỳ thi tuyển sinh. Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Mỹ Đình) cho biết, đề thi năm nay không đánh đố thí sinh. Đề nhằm vào kiến thức cơ bản, trọng tâm lớp 9, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức thì đạt điểm cao không khó.
Còn thầy Nguyễn Ngọc Khuê, nguyên giáo viên Trường THCS Tân Trào (quận Hoàn Kiếm) nhận xét, do kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay lần đầu tiên thi hai môn này nên Sở GD-ĐT ra đề theo hướng “an toàn”, học sinh chỉ cần ôn luyện tốt kiến thức cơ bản là có thể làm được.
Đối với học sinh TPHCM, ngày thi thứ hai đã khép lại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 3-6, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP, cho biết, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành các bước làm phách và chấm thi.
Dự kiến ngày 13-6 sẽ công bố kết quả thi, từ ngày 13 đến 15-6 thí sinh có thể nộp đơn chấm phúc khảo tại trường THCS đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Ngày 14-6, Sở GD-ĐT sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 các trường chuyên. Ngày 10-7, công bố điểm chuẩn lớp 10 thường các trường THPT công lập trên địa bàn TP.
Riêng đối với học sinh Hà Nội, những thí sinh đã đăng ký vào lớp 10 chuyên các môn Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học và tiếng Anh sẽ tiếp tục hoàn thành bài thi môn chuyên diễn ra vào sáng nay, 4-6.
TPHCM: Nhiều lực lượng tiếp sức thí sinh Tại điểm thi Trường THCS Colette (quận 3), sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn Toán buổi sáng, lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ an ninh, trật tự tại cổng trường đã phát nước uống cho tất cả thí sinh (ảnh). Em Nguyễn Bảo Nam, học sinh lớp 9, Trường THCS Bàn Cờ cho biết rất vui và cảm động khi nhận được chai nước suối cùng cái bắt tay, hỏi han ân cần từ các anh cảnh sát giao thông. “Chưa bao giờ hình ảnh các anh cảnh sát giao thông đối với em trở nên gần gũi và dễ thương đến thế. Quà tặng tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của các anh dành tặng cho các bạn thí sinh”. Tương tự, tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5), nhiều thí sinh đã cảm động trước hình ảnh các thầy, cô giáo là cán bộ coi thi chăm sóc một thí sinh nữ bị mệt trước giờ làm bài. Ngay khi phát hiện thí sinh này có biểu hiệu không tốt về sức khỏe trước giờ gọi tên vào phòng thi, một số cán bộ coi thi đã chăm sóc kịp thời cho học sinh này giúp em kịp hồi phục sức khỏe và hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. Khắc phục sự cố trong đề thi môn tiếng Anh Liên quan đến sai sót do lỗi chính tả trong đề thi môn tiếng Anh, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hội đồng chấm thi sẽ xem xét, bàn bạc và xin ý kiến ban chỉ đạo kỳ thi để đưa ra phương án xử lý phù hợp, theo hướng có lợi nhất cho thí sinh. “Thông tin sẽ cộng thêm 0,5 điểm môn tiếng Anh vào mỗi bài làm của thí sinh đang được phụ huynh và thí sinh chuyền tai nhau là không chính xác. Sau khi có phương án xử lý, sở sẽ công bố rộng rãi đến tất cả phụ huynh và thí sinh”, đại diện Sở GD-ĐT cho biết. Tại TPHCM, ghi nhận sau 2 ngày diễn ra kỳ thi, ở 126 điểm thi thường có 718 thí sinh vắng mặt không lý do. Đối với 9 điểm thi chuyên, môn Ngữ văn vắng 58 thí sinh, môn Ngoại ngữ vắng 63 thí sinh và môn Toán vắng 43 thí sinh. Riêng ở buổi thi môn chuyên, tại 9 hội đồng thi chuyên có tất cả 88 thí sinh vắng mặt không lý do. Không có trường hợp thí sinh và giám thị vi phạm quy chế thi. |