Ngày thơ Việt Nam 2025 có chủ đề “Bài ca thống nhất” đánh dấu nửa thế kỷ non sông liền một dải. Đây cũng là dịp nhìn lại dòng chảy thi ca TPHCM suốt 50 năm qua, và điểm danh thế hệ nhà thơ tiếp nối con đường sáng tạo.
Diễn ra trong hai ngày 11 và 12-2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng) tại khuôn viên Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM) Ngày thơ Việt Nam 2025 với nhiều hoạt động giao lưu giữa người làm thơ và người yêu thơ. Bên cạnh Sân thơ trẻ và Sân thơ thiếu nhi còn có 17 lều thơ của 11 câu lạc bộ thơ trên địa bàn TPHCM.
Tiếp nối hiệu ứng từ những năm trước, không gian Đường thơ năm nay giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu của TPHCM giai đoạn 1975-2025 như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương, Thu Nguyệt…
Bên cạnh đó, không gian triển lãm còn có thêm “Gương mặt mới cho kỷ nguyên mới” giới thiệu 8 tác giả dưới 35 tuổi đang được công chúng yêu mến như Minh Anh, Trần Đức Tín, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Trần Khải Duy, Huỳnh Xuân Tùng, Lương Phan Huy Bảo, Trần Trọng Đoàn.
Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM chính thức bắt đầu vào sáng 11-2 với chương trình giao lưu mở màn “Vần điệu thi ca dưới mái trường”. Đây là hoạt động của Sân thơ thiếu nhi nhằm kết nối độc giả học sinh với các tác giả có tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa.
Buổi chiều cùng ngày là chương trình trao giải cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2 và ra mắt tuyển tập thơ Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya (SBooks và NXB Văn học). Cũng trong chiều 11-2, ngay sau khi kết thúc hoạt động trao giải và ra mắt tuyển tập thơ là chương trình giao lưu “Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt” với sự tham gia của các tác giả Quang Chuyền, Đinh Nho Tuấn, Đào Phong Lan, Minh Đan…
Vào ngày 12-2 diễn ra chương trình chính với nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài phần diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nghi thức không thể thiếu tại Ngày thơ Việt Nam, ngày thơ năm nay giới thiệu đến công chúng TPHCM trích đoạn trong trường ca Đường tới thành phố, tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Cũng tại chương trình chính, công chúng yêu thơ còn có dịp lắng nghe các nhà thơ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như Trần Thế Tuyển, Lương Minh Cừ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Bính Hồng Cầu… giao lưu và đọc thơ trong tiết mục “Chúng tôi làm thơ và đánh giặc”.
Như một sự nối tiếp các thế hệ làm thơ tại TPHCM là tiết mục giao lưu “Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ” với những bài thơ của các tác giả trẻ: Trần Đức Tín, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Trần Trọng Đoàn, Thanh Hoa.
Xen kẽ giữa các tiết mục thơ là các ca khúc phổ thơ như Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn), Ngày mai anh lên đường (thơ Lê Giang, nhạc Thanh Trúc), Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt (thơ Trương Nam Hương, nhạc Hữu Xuân), Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Hoàng Hiệp).
Năm nay, chương trình chính tiếp tục có sự phối hợp giữa Hội Nhà văn TPHCM và Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.