Thơ ca phải mang hơi thở cuộc sống
Sáng 12-2, tại tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” diễn ra ở Ninh Bình, những người cầm bút đã cùng nhau nhìn lại vai trò, sứ mệnh và tâm huyết của thi ca trong dòng chảy xã hội. Nhìn lại lịch sử thơ ca Việt Nam, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Trách nhiệm và khát vọng không đối lập mà bổ sung cho nhau. Trách nhiệm là bệ phóng để khát vọng vươn xa, còn khát vọng là động lực giúp trách nhiệm được thực thi sâu sắc”.
![NSƯT Nguyễn Anh Tuấn diễn ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG M6A.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/vowkjqvp/2025_02_13/m6a-5255-647.jpg.webp)
Chính những nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... đã từ bỏ cái “tôi” lãng mạn để dấn thân vào thơ ca cách mạng, đặt trách nhiệm với dân tộc lên trên hết. Họ hiểu rằng, nghệ thuật chân chính không chỉ là những vần thơ đẹp, mà còn phải mang sứ mệnh làm đẹp cho đời.
Tuy nhiên, thơ ca hiện nay có đang thực sự đáp ứng được những mong đợi ấy; nó có phản ánh đúng hiện thực, mang lại niềm tin, khát vọng, hay đang lảng tránh những vấn đề nóng bỏng của xã hội như đạo đức, văn hóa; thơ có vô cảm, quay lưng với hiện thực, hay vẫn giữ được trách nhiệm của mình?
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, nghệ thuật đặc biệt là thơ ca không thể tách rời cuộc sống. Nó cần dấn thân, đồng hành cùng con người trong những thăng trầm, giúp họ đối diện với thực tế, tìm thấy hy vọng và giá trị nhân văn. Thơ không chỉ để thưởng thức mà còn là tấm gương soi lại chính ta, để từ đó, mỗi người tự hoàn thiện mình hơn.
Ở góc nhìn phê bình, nhà thơ Đặng Huy Giang cảnh báo, thơ ca không thể chỉ dừng lại ở những cảm xúc cá nhân đơn thuần, mà cần mở rộng đến những vấn đề lớn lao của xã hội. Ông trích dẫn lời nhắc nhở của nhà thơ Chế Lan Viên: Cuộc đời lớn mà trang thơ thì lại bé/ Con mèo nhà đòi át tiếng hổ kêu, để khẳng định rằng thơ không chỉ là phương tiện biểu đạt cảm xúc mà còn là công cụ để phản ánh, phê phán và thúc đẩy sự thay đổi của xã hội. Theo ông, nếu thơ chỉ dừng lại ở cái đẹp hình thức mà thiếu đi chiều sâu tư tưởng thì thơ ca sẽ dần mất đi giá trị đích thực của nó.
Nhà thơ Như Nguyễn cũng chia sẻ góc nhìn tương tự: “Thơ không chỉ là tiếng nói cá nhân, mà phải là tiếng nói của thời đại. Chúng ta không thể viết thơ mà ngoảnh lưng với những chuyển biến, những bất đồng và những giấc mơ chầm chậm của xã hội”. Nhà thơ không chỉ sáng tác về cái đẹp, về tình yêu, mà phải dấn thân, phải đối diện với những vấn đề lớn lao của nhân loại. Học theo những bậc tiền nhân, những người cầm bút ngày nay phải mang trong mình tinh thần trách nhiệm cao cả đối với nghệ thuật và xã hội. Chỉ khi đó, thơ ca mới thực sự sống mãnh liệt và bền bỉ, trở thành ngọn lửa soi sáng tâm hồn con người và phản ánh linh hồn của thời đại.
Sức trẻ thơ phương Nam
Năm nay, Ngày thơ Việt Nam ở TPHCM lấy chủ đề “Bài ca thống nhất”, vừa để kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa là dịp điểm danh lại diện mạo thơ ca thành phố nửa thế kỷ qua. Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết, nửa thế kỷ xây dựng và kiến thiết TPHCM, chúng ta chứng kiến sự hiện diện của những công trình hiện đại phục vụ dân sinh, công tác chăm bồi các giá trị văn hóa mà văn học nghệ thuật giữ vai trò quan trọng, trong đó thi ca luôn có vị trí đặc biệt.
Thi ca của thành phố có sự tiếp nối và kế thừa đầy đặc sắc, sâu đậm từ các thế hệ nhà thơ tiền chiến như Chế Lan Viên, giai đoạn chống Pháp như Bảo Định Giang, Viễn Phương, giai đoạn chống Mỹ với Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền…; rồi sau đó là các thế hệ nhà thơ mặc áo lính trở về từ Campuchia như Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc; thế hệ Thanh niên xung phong với Bùi Nguyễn Trường Kiên, Nguyễn Nhật Ánh, Cao Vũ Huy Miên; thế hệ trưởng thành từ giảng đường đại học với Trương Nam Hương…; và hiện nay là các nhà thơ trẻ sinh sau năm 2000, một thế hệ đầy cởi mở và hội nhập.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM, Phó Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm 2025 tại TPHCM, cho rằng: “Thi ca TPHCM đang có sự chuyển dịch rất lớn trong đội ngũ những người làm thơ, nhất là gen Z. Họ sáng tác không câu nệ vào niêm luật truyền thống, họ viết như một cách giải phóng toàn bộ cảm xúc và ý tưởng của mình…”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết.
Ngoài ra, theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, thế hệ làm thơ sinh sau năm 2000 giỏi công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Nhờ đó, họ có thể truyền tải thơ của mình đến công chúng một cách nhanh nhất, rộng nhất; đồng thời, họ có thể tự viết bằng tiếng Anh hoặc chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh để tiếp cận thế giới. “Phải thừa nhận rằng, họ là những gương mặt mới của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà chúng ta tự tin hội nhập mà không cần phải thông qua hệ thống dịch giả”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ.
Giống như nhiều tác giả khác, nhà thơ Đinh Nho Tuấn, người vừa đoạt giải nhất cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ 2, cũng là một người lập nghiệp tại TPHCM. Quê ở Hà Tĩnh, sống ở TPHCM đã 20 năm nay, nhà thơ Đinh Nho Tuấn cho biết, mảnh đất phương Nam này mang đến cho anh rất nhiều điều: ngoài gia đình, những người bạn, thì còn phải kể đến một tài sản vô giá chính là tình thơ. “Tôi cho rằng, ở TPHCM có đầy đủ các điều kiện để hỗ trợ cho những người sáng tác thơ. Dù vậy, tác phẩm đạt được sự mong mỏi của bạn đọc vẫn chưa nhiều. Tất cả đang là một câu hỏi cho tương lai”, nhà thơ Đinh Nho Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, cuộc sống xô bồ hơn và phương pháp xuất bản truyền thống cũng đã thay đổi. Bây giờ, thơ không đơn thuần là thưởng thức trên mặt giấy, mà còn có những biến thể khác như đăng trên mạng, hình thức video art, diễn đọc có minh họa, hay được trình bày dưới dạng ý tưởng, kể một câu chuyện bằng thi ca trên YouTube… Với những công nghệ mới, thơ ca đang ngày càng gắn bó một cách nhanh chóng hơn với các loại hình nghệ thuật khác như: nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh, sân khấu… Trong kỷ nguyên số, vai trò của nhà thơ cũng rõ ràng, mạnh mẽ và rộng rãi hơn. Nhà thơ hiện nay không thể chỉ thu mình vào một ốc đảo cô đơn trong thế giới nghệ thuật, mà cần bước ra với cuộc sống đầy sôi động bên ngoài.
Sáng 12-2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2025 với chủ đề “Bài ca thống nhất”. Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cùng đông đảo những người yêu thơ tại TPHCM. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đã thay mặt lãnh đạo thành phố thực hiện nghi thức đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm 2025.
Tối cùng ngày, tại TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra đêm thơ chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Đêm thơ có sự góp mặt của các nhà thơ nổi tiếng, đã thành danh lâu năm, cho đến các nhà thơ trẻ đang nỗ lực khẳng định mình trên con đường thi ca. Khán giả được thưởng thức những tiết mục diễn ngâm các bài thơ nổi tiếng như Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân)...
Đặc biệt, đêm thơ còn có sự tham gia của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl với phần trình bày bài thơ Gửi một người mẹ Việt Nam. Ngoài ra, tại không gian ngày thơ năm nay còn có phần trưng bày tác phẩm của 20 nhà thơ đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng những bài thơ cổ và hiện đại về Ninh Bình.