Hà Nội: Cân bằng giữa lễ hội và học thuật
Tại Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 sẽ diễn trong 4 ngày, từ 27-2 đến 2-3 với nhiều hoạt động. Ngày 1-3 sẽ khai mạc sân thơ các câu lạc bộ thơ tại khu vực hồ Văn. Ngày 2-3 (đúng rằm tháng Giêng) sẽ khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm nay sân thơ trẻ sẽ do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, mang nhiều nội dung phong phú. Ngày thơ dự kiến còn có sự tham gia của đoàn nhà thơ Nhật Bản, trên cả hai sân thơ truyền thống và thơ trẻ.
Tham dự ngày thơ, độc giả không những được nghe thơ, đọc thơ, ngắm nhìn thơ mà còn được giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, xem trình diễn thơ và thưởng thức các bài hát được phổ nhạc từ thơ. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam 2018 là Cánh buồm thơ. Ban tổ chức đang chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ năm nay. Những câu thơ được chọn phải là thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành đất nước. Trong khuôn khổ ngày thơ sẽ có triển lãm chân dung và hình ảnh các nhà văn Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Một trong những điểm mới được ghi nhận tại ngày thơ năm nay là đến gần tới xu hướng cân bằng giữa hội hè và học thuật. Trong hai ngày 27 và 28-2, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra hội thảo với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và hội thảo về tiểu thuyết “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” nhằm hưởng ứng cuộc thi tiểu thuyết 2017- 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và độ tiếp cận của công chúng với văn chương.
TPHCM: Điểm nhấn thơ trẻ
Ngày Thơ tại TPHCM năm nay có chủ đề “Xuân - cội nguồn và sáng tạo” diễn ra tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Chương trình ngày thơ tại TP diễn ra trong 2 ngày 1 và 2-3. Trong đó, ngày 1-3 dành cho hoạt động hội với mở đầu là cuộc tọa đàm, giới thiệu bộ sách 5 cuốn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bộ sách này do các hội viên Hội Nhà văn TPHCM sáng tác, NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM xuất bản. Các tác phẩm tái hiện nhiều chiều, nhiều góc nhìn về sự kiện Mậu Thân 1968, một số do chính các nhân chứng lịch sử là các chiến sĩ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến dịch; một số do các tác giả thế hệ trẻ sau này thực hiện dựa trên các tài liệu lịch sử.
Trong khi cuộc tọa đàm diễn ra thì tại sân khấu chính, 20 CLB thơ của các quận huyện, trường đại học, THPT và CLB văn học của hội cùng dựng lều thơ trong khuôn viên tòa nhà liên hiệp. Hoạt động dựng lều thơ được xem là 1 trong 2 điểm nhấn chính của ngày thơ tại TPHCM hàng năm. TPHCM là nơi có nhiều CLB thơ hoạt động sôi nổi, nhiệt tình, hứa hẹn mang đến ngày thơ nhiều hoạt động sôi động như giao lưu thơ, đấu thơ, trình diễn thơ… Tối 1-3, các CLB sẽ lần lượt giới thiệu các tiết mục của mình tại sân khấu chính và ban tổ chức sẽ chọn 2 tiết mục hay nhất để trình diễn vào lễ khai mạc chính thức. Chiều 1-3, sân thơ trẻ, điểm nhấn thứ 2 của ngày thơ diễn ra.
Bên cạnh hoạt động quen thuộc là triển lãm poster các nhà thơ trẻ triển vọng trong năm thì sân thơ trẻ sẽ tổ chức lễ ra mắt 2 tập thơ mới là Vị đàn bà của nhóm 5 nhà thơ nữ Minh Đan, Trần Mai Hường, Kiều Maily, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến và tập thơ Bật cúc đêm của tác giả trẻ Lương Cẩm Quyên. Toàn bộ tiền bán 2 tập thơ sẽ được dùng hỗ trợ và chia sẻ với các cây bút trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Sân thơ trẻ còn tổ chức tọa đàm “Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo” vào chiều 1-3. Đây là cuộc giao lưu giữa những người trẻ làm thơ với nhà phê bình, bạn yêu thơ nhằm chia sẻ cảm xúc và khơi gợi ước mơ thi ca trong lòng mỗi cây bút trẻ. Khách mời có nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh, nhà thơ Trần Lê Khánh… Tọa đàm diễn ra vào chiều 1-3.
Năm nay lễ khai mạc Ngày Thơ tại TPHCM diễn ra vào sáng 2-3, tập trung tôn vinh thế hệ những nhà thơ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khởi đầu bằng bài thơ Chúc Tết, Xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân. Tiếp đó là sự tham gia của các nhà thơ Hoài Vũ, Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Chí Hiếu, Trúc Phương, Lương Minh Cừ, Huy Dung, Hoàng Xuân Huy… và cựu nữ tù Hoàng Anh Thư (tức Nguyễn Thị Thanh Tùng, nguyên cán bộ Thành đoàn) và cuộc trình diễn thơ của các thế hệ nhà thơ tiếp nối sau năm 1975 như Trầm Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Phan Ngọc Thường Đoan, Xuân Trường, Đặng Tường Vy…