Ngày thi cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Mở ra định hướng mới cho chương trình giáo dục phổ thông

Ngày 28-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước tiếp tục hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội vào buổi sáng và môn Ngoại ngữ vào buổi chiều. Kỳ thi kết thúc an toàn và nghiêm túc, mở ra nhiều định hướng mới cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào năm sau.

Các thí sinh trao đổi sau giờ thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các thí sinh trao đổi sau giờ thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày thi “dễ thở”

Đánh giá của nhiều thí sinh đều cho rằng, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) dễ. Thí sinh Dương Gia Bảo (Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông, Hà Nội) nhận xét, đề thi KHXH không khó, ví dụ như môn Địa lý chỉ cần sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam cũng làm bài đạt 6-7 điểm.

Tại điểm thi Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM), thí sinh Bùi Trần Quỳnh Như, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cũng có tâm trạng phấn khởi vì tổ hợp KHXH “dễ thở”. “Môn Lịch sử có đề thi khá dài, câu hỏi dàn trải ở nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng nếu ôn tập kỹ vẫn đạt điểm 8. Riêng môn Giáo dục công dân xuất hiện một số câu hỏi tình huống lạ, nhưng thí sinh có thể loại trừ đáp án”, Quỳnh Như chia sẻ.

Dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), thí sinh Trần Minh Anh (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội) nhận xét, đề thi hơi dài và khó so với đề thi minh họa. Còn Hoàng Ngọc Thành Nam (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Trần Văn Giàu, TPHCM) cho rằng, môn Sinh học khó nhất trong 3 môn thi; môn Vật lý có mức độ phân hóa trung bình; riêng môn Hóa học vẫn là môn thi “gỡ điểm” giống các năm trước.

Môn thi Ngoại ngữ vào buổi chiều được nhiều thí sinh đánh giá là “dễ hơn mong đợi”. Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), thí sinh Đậu Thị Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản thì có thể dễ dàng đạt điểm 8-9. Tại nhiều phòng thi, thí sinh chỉ mất từ 30-45 phút để hoàn thành bài thi và hầu hết các em đều tự tin đạt điểm số tốt.

Điểm thi sẽ cao hơn năm ngoái

Đối với tổ hợp KHTN, môn Hóa học được dự báo có phổ điểm thi “đẹp” nhất trong 3 môn thi. Nhận xét về đề thi Hóa học, cô Văn Vi Hồng, Tổ trưởng chuyên môn Hóa học, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết, đề thi chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12, số lượng câu hỏi về kiến thức ở lớp 11 chiếm tỷ lệ nhỏ với nội dung quen thuộc. Cấu trúc đề thi gần với đề minh họa của Bộ GD-ĐT, không có câu hỏi lạ hoặc quá khó. Nhìn chung, đề thi nhẹ nhàng, phổ điểm ở mức 8-8,5 điểm.

Ở môn Vật lý, thầy Lê Thành Trung, Tổ trưởng chuyên môn Vật lý, Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM), đánh giá, đề thi ổn định cấu trúc như các năm trước với 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đặc biệt, đề thi có “tiệm cận nhẹ” với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khi đưa thêm vào các câu hỏi vận dụng thực tiễn. Đề thi có khả năng phân hóa tốt học sinh nên em nào có học lực khá, giỏi sẽ đạt từ 8,5 điểm trở lên.

Ở môn Sinh học, theo cô Nguyễn Thị Tố Vân, Tổ trưởng chuyên môn Sinh học, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), đề thi phân hóa rõ ràng, không đánh đố thí sinh, học sinh có học lực trung bình có thể đạt điểm trên 5. Về phạm vi kiến thức, đề thi có 4 câu hỏi kiểm tra kiến thức lớp 11, 36 câu kiểm tra kiến thức lớp 12. Mức điểm 6-7 sẽ phổ biến.

Đối với tổ hợp KHXH, cô Phạm Thị Luyến, Tổ trưởng chuyên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), cho biết, đề thi Giáo dục công dân theo đúng cấu trúc của đề minh họa. Trong đó, 90% câu hỏi thuộc kiến thức chương trình lớp 12, 10% còn lại ở lớp 11 với mức độ nhận biết và thông hiểu. Nếu học sinh ôn tập nghiêm túc sẽ đạt từ điểm 8 trở lên.

Ở môn Lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM), cho rằng, đề thi có 75% câu hỏi nhận biết và thông hiểu; 25% câu hỏi vận dụng. Nhìn chung, đề thi đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp THPT, mức điểm 5,5-6 sẽ phổ biến.

Ở môn Địa lý, cô Lê Thị Thu Ngân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM), nhận xét, các câu hỏi về biểu đồ, bảng số liệu, sử dụng Atlat địa lý đều rõ ràng, không đánh đố. Câu hỏi lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, có nhiều từ khóa giúp thí sinh loại trừ đáp án. Những học sinh lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học có môn Địa lý hoặc ôn tập kỹ lưỡng sẽ đạt từ 8,75-9,5 điểm.

%4c.jpg
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM phấn khởi vì hoàn thành tốt kỳ thi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với môn Ngoại ngữ, thầy Trần Ngọc Hữu Phước, Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), cho rằng, đề thi khá nhẹ nhàng, phần lớn kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi có một số câu hỏi mang tính phân loại thí sinh, chủ yếu tập trung phần trắc nghiệm từ vựng và trắc nghiệm thành ngữ. Thí sinh chỉ nắm vững kiến thức có thể dễ dàng đạt điểm trên 8.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hơn 670.000 trong khoảng một triệu thí sinh năm nay chọn bài thi tổ hợp KHXH, chiếm 63%. Tỷ lệ này cao nhất 7 năm qua, còn lại chọn bài thi KHTN. Ở tổ hợp KHTN, cả 3 môn thành phần đều có tỷ lệ thí sinh dự thi trên 99,6%; tổ hợp KHXH cả 3 môn thành phần đều có tỷ lệ thí sinh dự thi trên 95%.

Tin cùng chuyên mục