Các bác sĩ cảnh báo, trẻ mắc bệnh lao có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 123.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên mới chỉ phát hiện được khoảng 81%.
Bác sĩ Trần Ngọc Đường đang khám và điều trị cho trẻ mắc lao
Người lớn chủ quan, trẻ dễ mắc lao
Ho dai dẳng, sốt về đêm, đứng cân kéo dài mấy tháng liên tục, mới đây bé N.M.K. (5 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch chẩn đoán bé mắc bệnh lao phổi.
Chị Mai, mẹ bé K., cho biết ban đầu chị tưởng con mình chỉ bị cảm sốt thông thường, nhưng dù đã đi điều trị nhiều nơi bé K. vẫn không hết bệnh. Do trong gia đình có ông nội bé mắc bệnh lao, nên chị Mai đưa con đến BV Phạm Ngọc Thạch để khám.
“Trước đây chúng tôi có cho cháu uống thuốc phòng lao để ngăn ngừa lây nhiễm từ ông nội, nhưng lúc đó cháu còn nhỏ quá, việc uống thuốc khá khó khăn, hơn nữa cháu cũng không thường xuyên tiếp xúc với ông, không có dấu hiệu mắc lao nên gia đình không cho uống thuốc nữa. Thật không ngờ, sau mấy năm cháu lại mắc lao”, chị Mai kể.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Đường, Trưởng khoa Nhi - BV Phạm Ngọc Thạch, mỗi năm Khoa Nhi điều trị cho khoảng 550 - 620 trẻ mắc lao, trong đó phổ biến nhất vẫn là lao phổi, chiếm 60% tổng số ca mắc. Trẻ mắc lao thường có nguồn lây nhiễm từ người thân đã bị mắc lao. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, thường lây lan khi trẻ tiếp xúc thường xuyên với những người mắc lao như người thân trong gia đình, người giúp việc; thậm chí trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây...
Bệnh lao ở trẻ em thường gặp các thể như lao sơ nhiễm, lao màng não, lao kê, lao phổi và lao màng phổi. Mặc dù hiện nay đa số trẻ đều được chích ngừa vaccine phòng lao BCG từ khi chào đời, nhưng vaccine chỉ có thể ngăn ngừa được các thể lao cấp tính. Do đó, trẻ có nguy cơ sẽ bị nhiễm lao nếu tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây mà không có sự phòng ngừa.
“Thông thường trẻ mắc lao do sự chủ quan của người lớn, không cho trẻ uống thuốc phòng ngừa đầy đủ. Khoa học chứng minh, nếu trẻ được uống thuốc phòng lao thì sẽ hạn chế được 60% khả năng mắc lao”, bác sĩ Trần Ngọc Đường chia sẻ.
Gia tăng lao cấp tính
Bên cạnh lao phổi khá phổ biến thì những năm gần đây, bệnh lao ở trẻ em thường gặp ở thể cấp tính là lao màng não và lao kê. Trong tổng số trẻ điều trị tại Khoa Nhi - BV Phạm Ngọc Thạch có khoảng 20% trẻ mắc lao màng não.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Đường, lao màng não nếu phát hiện và điều trị muộn, di chứng sẽ rất nặng nề như thiểu năng trí tuệ, rối loạn tính tình, vô kinh, đái tháo nhạt, liệt nửa người, liệt tứ chi, động kinh, mù mắt, thiểu năng trí tuệ, thậm chí có thể tử vong. Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu tấn công lên não và màng não. Bệnh khởi đầu với những triệu chứng không đặc hiệu: nhức đầu, chóng mặt, ù tai. Có người bị co giật khu trú, liệt, nói sảng, buồn bã..., khá giống với các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm xoang, rối loạn tâm lý.
Trường hợp của bệnh nhi V.T.M. (27 tháng tuổi, ngụ Bình Dương) là ví dụ. Với triệu chứng sốt cao, ho kéo dài, bệnh nhi được gia đình đưa đi điều trị nhiều BV tại địa phương nhưng không khỏi bệnh. Lên đến BV Nhi đồng 2, bệnh nhi được chẩn đoán viêm màng não. Nhưng sau hơn 1 tháng điều trị không có kết quả, các bác sĩ BV Phạm Ngọc Thạch đã được mời sang hội chẩn và chẩn đoán bé mắc bệnh lao màng não.
“Với lao màng não, muốn điều trị bệnh có kết quả tốt thì cần chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Vì ở giai đoạn này, tổn thương ở màng não và não nhẹ, có thể phục hồi chức năng tốt sau quá trình điều trị”, bác sĩ Trần Ngọc Đường cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý khi trẻ có triệu chứng như cảm cúm thoáng qua hay nóng sốt mệt mỏi, chán ăn, hoặc (ít khi) có triệu chứng giống như thương hàn, sốt cao, mệt mỏi nhưng không rối loạn tiêu hóa. Có trường hợp có biểu hiện ở niêm mạc và ngoài da, như hồng ban nốt nổi 2 - 3 đợt, hay viêm kết giác mạc.
Triệu chứng của lao sơ nhiễm rất mơ hồ, giống như biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nên khó chẩn đoán, dễ bị bỏ sót. Trẻ có thể tự khỏi, nếu lao sơ nhiễm tiến triển nhẹ và sức đề kháng của trẻ cao. Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao, cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo công thức của chương trình chống lao quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát).