Ngày thế giới phòng chống đột quỵ (29-10): Kiểm soát nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai và gây ra hậu quả rất trầm trọng, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, đây không phải là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ” mà có thể phòng tránh nếu được trang bị kiến thức, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và điều trị kịp thời.

Nhiều tiến bộ mới trong điều trị

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận người bệnh N.T.L. (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đột ngột bị méo mặt, nói đớ khi đang làm việc, được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngay lập tức, anh L. được can thiệp và đến nay đã gần như trở lại cuộc sống bình thường.

Không may mắn như anh L., chị N.H.Nh., (42 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) bị đột quỵ sau khi “quá chén” cùng vài người bạn lúc khuya. Sáng hôm sau, chị Nh. không có phản ứng khi người thân gọi dậy và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ.

Qua kiểm tra, các bác sĩ cho biết, chị Nh. được đưa đến bệnh viện hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ. Kết quả phim chụp cắt lớp cho thấy gần một nửa bộ não đã bị hư hại, không thể can thiệp tái thông mạch máu mà chỉ có thể cứu sống tính mạng và giảm thiểu tối đa mức độ nặng nề do đột quỵ để lại.

%4c.jpg
TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám cho người bệnh sau đột quỵ

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đột quỵ là bệnh lý về não bộ do tổn thương mạch máu não; 85% nguyên nhân là do thiếu máu não cục bộ (tắc mạch máu não), 15% là do xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện (vỡ mạch máu não).

Trong những năm gần đây, các tiến bộ trong kỹ thuật cấp cứu can thiệp đột quỵ do thiếu máu não cục bộ được ghi nhận rất tích cực. Điển hình là phương pháp tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu huyết khối tĩnh mạch hoặc thủ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ đã được áp dụng rộng rãi. Các phương pháp này được ứng dụng hiệu quả trong vòng 4-6 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng đột quỵ.

Trường hợp người bệnh đến bệnh viện trễ (sau 6 giờ cho đến 24 giờ), các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật cao bằng cách tìm các phần mô não còn sống để can thiệp thông mạch. Phương pháp tái thông mạch máu sẽ được lựa chọn can thiệp tùy thuộc vào khoảng thời gian tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên.

Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thời gian cấp cứu cho người bệnh đột quỵ. “Càng được cấp cứu sớm, người bệnh càng có nhiều lựa chọn điều trị hơn và phương pháp can thiệp cũng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn”, TS-BS Nguyễn Bá Thắng thông tin.

Chủ động kiểm soát nguy cơ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tử vong và tàn phế, để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh, gia đình và xã hội. Dù được cứu sống nhưng khoảng 30%-50% người bệnh đột quỵ không thể có lại khả năng độc lập về chức năng, và 15%-30% người bệnh đột quỵ bị khiếm khuyết vĩnh viễn.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đặc biệt, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng số ca đột quỵ.

Nguyên nhân là do một bộ phận giới trẻ hiện nay ăn nhiều đồ ăn nhanh, nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, chất kích thích, nước ngọt có ga, sử dụng điện thoại, máy tính liên tục, sống vội vã gây căng thẳng và ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, khuyến cáo, người bệnh cần được chăm sóc, điều trị chuyên sâu để phòng ngừa biến chứng, nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.

“Theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, tất cả người bệnh đột quỵ cần được chăm sóc ở các đơn vị đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy việc được chăm sóc và điều trị tại các đơn vị đột quỵ giúp người bệnh giảm tỷ lệ tử vong, giảm biến chứng và giảm thời gian nằm viện”, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho biết.

Hiện trên thế giới và tại Việt Nam đã thành lập nhiều đơn vị đột quỵ, đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao rõ rệt hiệu quả chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh đột quỵ. Theo BS-CK2 Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với sự phát triển của y học hiện đại, đột quỵ không còn là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ” như trước đây.

Để phòng tránh, có thể bắt đầu từ việc chặn đứng các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua các chương trình tầm soát giúp phát hiện các bệnh lý vốn là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ hoặc các bệnh lý tim mạch khác…

Việc phát hiện sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mạch máu, đồng thời kết hợp thay đổi các thói quen và lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý mạch máu não. Riêng với nhóm người bệnh rung nhĩ, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Lưu ý điều trị sau đột quỵ

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, trong quá trình phục hồi chức năng, người bệnh đột quỵ dễ gặp tình trạng rối loạn tâm lý và cảm xúc. Do đó, người chăm sóc cần hiểu, thông cảm, an ủi, hỗ trợ người bệnh trong tập luyện, vận động. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng vận động, ổn định tâm lý cho người bệnh. Bản thân người bệnh cũng cần có ý chí, quyết tâm, tinh thần lạc quan, tích cực tập luyện, vận động thì cơ hội hồi phục càng cao.

Tin cùng chuyên mục