1. Tín hiệu để cảm nhận không khí tết cận kề nhất có lẽ là những sắc hoa, từ nội thành đến ngoại thành, các điểm bán hoa nở rộ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, câu chuyện mua hoa ngày 30 và người bán đập bỏ chứ không bán rẻ, khiến không ít người có cái nhìn méo mó, không mấy thiện cảm về chuyện chơi hoa ngày tết.
Chiều 27 Tết, tại gian hàng hoa kiểng trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), anh Lê Văn Việt (40 tuổi, ngụ quận 8) hồ hởi nói với cô khách: “Chỉ tính tiền 2 chậu mai với tắc thôi, còn 2 chậu vạn thọ tặng cô luôn. Năm sau ghé ủng hộ con nữa nha”. Anh Việt dứt lời, cô khách mở ví tính tiền, cảm ơn rối rít. Đứng chờ con trai chất mấy chậu cây lên xe, bà Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay: “Tết năm nào cũng mua thành quen rồi, không mua thấy thiếu lắm, trong nhà có bông xanh xanh đỏ đỏ cho đẹp. Người ta buôn bán cũng phải có lời chứ, nên nhắm giá thấy được, tôi mua luôn, chớ không trả giá nhiều. Tối 26, 27 là tôi đi dạo chợ mua hoa rồi, tới 29 thì mua thêm chút ít thôi, chứ chờ sát ngày mới mua thì ép người ta quá”.
Quay lại vào trưa 29 Tết, số hoa kiểng còn lại chút ít, vừa tính tiền 2 chậu mai cỡ trung, tặng thêm cho khách chậu bông sống đời nhỏ, anh Việt kể: “Tới bữa nay rồi, mua bán nhanh lẹ thôi, nhắm có lời chút là đẩy liền. Số cúc, vạn thọ với sống đời đã có lời, nên khách mua mai với kiểng, tui tặng thêm chậu nhỏ, vui vẻ cả hai bên”.
Dọn dẹp mấy tấm bạt để bông, tưới nước thêm cho mấy cây kiểng, anh Việt kể tiếp: “Cũng có năm ế, ôm cả đống bông đó chứ, đem về chất đầy từ trong nhà ra tới ngoài sân luôn, rồi đem cho hàng xóm nữa, còn mấy cái héo quá thì bỏ lại xe rác. Tui là dân mua đi bán lại, mua của nhà vườn rồi bán lẻ chứ không trồng, nhưng mần ăn có năm vầy năm khác, không hết thì mình chịu lỗ chứ sao mà đạp đổ hay đập bỏ được, làm vậy còn thêm gánh nặng cho công nhân quét dọn. Năm nay, tới giờ này tính nhẩm đã có lời rồi, còn nhiêu đây thì yên tâm không có sợ đem bông ế về nhà”.
2. Không khí chộn rộn của những ngày giáp tết, chuẩn bị cho những ngày đầu năm mới sắp tới cũng là một nét đặc sắc khiến nhiều người thích thú cái tết cổ truyền. Tuy bận rộn, nhưng anh Cliff (44 tuổi, người Hà Lan) thích thú kể: “Tôi thích không khí chuẩn bị trước tết, nó rất vui vì mọi người đều sắm quần áo mới và mua hoa chưng tết. Ở Hà Lan, tết chỉ có một ngày thôi, còn tết Việt Nam thì dài hơn và việc chuẩn bị mọi thứ trong nhà khiến tôi cảm thấy không khí gia đình gắn kết nhiều hơn”.
Đã 5, 6 cái tết đưa chồng đi chợ hoa vào ngày 29 Tết, chị Phạm Thị Lan Trinh (36 tuổi, vợ anh Cliff, ngụ quận 8) nói: “Năm nào, rủ đi chợ hoa tết ảnh cũng thích lắm, có khi chưa kịp rủ thì ảnh đã nhắc, vì chợ hoa vừa đẹp vừa vui”. Tiếng Việt vẫn chưa rành lắm, có những món ăn trong ngày tết anh vẫn chưa gọi tên được bằng tiếng Việt, nhưng mâm cỗ để cúng ông bà, đều được anh phụ vợ cẩn thận chuẩn bị từng món một. “Tôi không biết khấn vái thế nào, chỉ làm theo lời vợ hướng dẫn nhưng tôi hiểu đó là cách thể hiện lòng thành kính với ông bà tổ tiên.
Hồi năm 2015, kinh tế chưa ổn định thì mâm cỗ nhỏ hơn, còn năm nay mâm cỗ lớn hơn một chút vì cửa hàng của hai vợ chồng tôi buôn bán đã ổn định. Dù nghèo hay giàu thì vẫn có mâm cỗ để tưởng nhớ ông bà, đó là một truyền thống hay, tôi rất thích”, anh Cliff chia sẻ.
Bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả… đã đầy đủ, cũng là lúc anh Cliff và chị Trinh chuẩn bị trang phục để đi chúc tết họ hàng và du xuân. Chị Trinh hóm hỉnh kể: “Ảnh thích áo dài truyền thống của người Việt mình lắm, nhưng năm nay lu bu tới 28 mới đi sắm đồ, chỉ có áo dài cho tôi và bé nhỏ, còn ảnh phát tướng, đi mấy tiệm mà không có áo dài nào vừa, may áo thì không kịp nên năm nay ảnh không có áo dài. Nhất định năm sau, sẽ sắp xếp thời gian may áo dài để cả gia đình mặc đồng bộ cùng nhau”.
3. Bắt chuyến xe sớm từ Sóc Trăng lên thành phố đúng mùng 3 Tết, ghé ngay đường hoa Nguyễn Huệ dạo một vòng và chụp ảnh, chị Trần Ánh Dương (27 tuổi) hóm hỉnh ví von: “Thành phố như người tình vậy đó, ở quê chứ toàn trông tin lễ tết trên này”.
Sau 4 năm đại học và trở lại quê nhà làm việc, nhưng mỗi dịp tết, chị đều bắt xe lên thành phố để ngắm nhìn những con đường, công viên, chợ hoa, hội hoa… được trang trí rực rỡ đón chào năm mới. Chị Dương kể: “Có năm thì mùng 2, năm nay mùng 3, xong phần chúc tết, đi thăm bà con ở quê là tôi đón xe lên đây, mà nhất định năm nào cũng phải ghé đường hoa Nguyễn Huệ. Có người khen chê năm này đẹp hơn năm kia, nhưng với tôi thì năm nào cũng đẹp, mỗi năm một chủ đề và một con giáp, nên cứ tết là phải ra đây mới thỏa lòng. Ghé lại thành phố chỉ một chút vậy đó nhưng thấy vui lắm, ở quê cũng tết nhưng vẫn cứ trông tết trên này hơn”.
Cũng như chị Dương, một số bạn trẻ Việt kiều hay du học sinh cũng mong chờ những ngày tết cổ truyền để sum vầy với gia đình và ngắm nhìn một mùa xuân mới. Trở về cùng 2 người bạn từ Pháp, Ngọc Thảo (24 tuổi, du học sinh ở Pháp), cho biết: “Mình về trước tết khoảng 2 tuần, nghỉ ngơi và phụ gia đình chuẩn bị đón tết, mấy ngày tết đi thăm viếng họ hàng xong, mình dẫn bạn ra đây để giới thiệu với họ về đường hoa ở thành phố mình. Bạn khá hào hứng, nhất là được chụp hình với nhiều loại hoa được trang trí ở đây và mô hình các chú chuột tượng trưng cho con giáp trong năm nay”.
Đi cùng với Ngọc Thảo, Sophie (25 tuổi) khá hào hứng với tục lì xì và thư pháp, cô kể: “Đây là lần đầu tiên tôi được nhận lì xì và những lời chúc may mắn vào ngày đầu năm, một phong tục rất hay. Phía bên kia đường, tôi thấy có người viết chữ, tôi không hiểu chữ họ viết, nhưng cách viết rất cầu kỳ và đẹp. Và lần sau, nếu có dịp trở lại đây, tôi muốn mặc thử áo dài, tôi thấy mọi người mặc rất đẹp”.
Bên cạnh đường hoa, hội hoa xuân, đường sách xuân, đường sách Nguyễn Văn Bình cũng thu hút đông đảo khách dạo chơi trong những ngày đầu năm. Một số hàng quán vẫn mở cửa xuyên tết, không khó để bắt gặp vài bạn trẻ vẫn miệt mài với công việc trên máy tính cá nhân trong các quán cà phê…
Thành phố quanh năm nhộn nhịp đón tết bằng một bầu không khí thong thả, bớt đi phần hối hả và vội vàng thường nhật. Có nhiều nét mới lạ và những góc nhìn khác biệt trong ngày tết, tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống của cái tết cổ truyền vẫn được người dân thành thị giữ gìn và thích nghi cùng nhịp sống hiện đại.