Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Huyện tôi với diện tích chưa đầy 20km² đã có truyền thuyết về vợ chồng Mai An Tiêm tảo tần mưa nắng ngoài hoang đảo, dâng cho đời quả dưa hấu “xanh vỏ, đỏ lòng”. Có huyền thoại về đôi trai đất, gái trời Từ Thức, Giáng Hương mà mối tình của họ làm say đắm bao thế hệ về sau. Đến nay động Từ Thức có đường lên trời, có đường xuống biển đang là một điểm du lịch cuốn hút. Đã có lá chiếu, là một trong những sản vật được xếp lên hàng đầu trong các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ phục vụ đời sống xã hội, “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng…” hẳn chẳng ai không nhớ câu thơ ấy. Nga Sơn còn có di tích lịch sử Ba Đình, pháo đài chống quân xâm lược Pháp ngay từ ngày chúng mới mon men đặt chân đến đất nước ta, sóng nước đồng chiêm tím màu hoa lục bình…
Nói đến hương vị Tết của quê tôi, không thể không nhắc đến chiếc bánh răng bừa. Đúng như tên gọi, chiếc bánh có hình dáng giống y hệt chiếc răng bừa mà ta vẫn gặp hàng ngày cần mẫn trên cánh đồng. Mình thon thon, dài chừng mười lăm phân, xếp vào đĩa bày ra mâm cỗ nhìn thật vui mắt. Lũ trẻ con chúng tôi rất khoái loại bánh đậm đà hương sắc làng quê này.
Nguyên vật liệu và cách chế biến bánh răng bừa ở quê tôi giống y chang nguyên vật liệu và cách chế biến chiếc bánh lá ở các tỉnh phía Bắc và chiếc bánh giò ở các tỉnh phía Nam. Cũng là bột gạo tẻ làm áo, thịt nạc băm nhuyễn với hành, mộc nhĩ làm nhân. Chỉ khác với bánh lá, bánh giò gói bằng lá chuối tươi, bánh răng bừa được gói bằng lá dong, loại lá để gói bánh chưng, mỗi lá vừa vặn một chiếc bánh. Nhưng nếu như không có lá dong thì dùng lá chuối tươi gói cũng chẳng ảnh hưởng gì. Thuở nhỏ, tự thẳm sâu tâm khảm, đã bao lần trong tôi vọng lên câu hỏi: “Tại sao cũng nguyên liệu ấy, cũng cách chế biến ấy mà người quê mình không làm ra chiếc bánh lá như những vùng quê khác mà lại làm ra chiếc bánh răng bừa xinh xắn?”. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi ông nội, lần nào cũng được ông xoa đầu giảng giải: “Để mọi người từ già tới trẻ, ngày Tết vui vẻ, khi ăn chiếc bánh có hình dạng như chiếc răng bừa đều nhớ đến công việc làm thức ăn chính thay cơm trong bữa cỗ mừng năm mới”. Gạo để xay bột làm bánh răng bừa phải là gạo của vụ mùa mới thu hoạch, nên bánh vừa dẻo, vừa thơm, ngầy ngậy béo, ăn chỉ có no chứ không ngán bao giờ. Ăn no, đi ra cây đu đầu làng nhún nhảy đã đời, lúc nào bụng ngon ngót lại quay về nhà lao vào rổ bánh răng bừa chén tiếp. Bạn bè đồng hương quê ở Nga Sơn những ngày giáp Tết gặp nhau ở đất Sài Gòn, cứ bồi hồi nhớ về cái bánh răng bừa mà xuýt xoa thèm ước.
Tết năm ngoái, tôi may mắn được có mặt ở làng quê mình, đời sống người dân đã khác trước nhiều lắm. Tết nhất mới mẻ, to tát lên nhiều. Nào bia, giò, chả, bánh chưng đều thấy trong cỗ Tết của mọi gia đình. Đặc biệt, chiếc bánh răng bừa vẫn hiện diện trên bàn thờ, nơi trang trọng nhất như ngày tôi còn bé. Và ngồi vào mâm cỗ có bánh răng bừa vẫn là đầu vị để mời nhau trước nhất. Tôi sung sướng được nhấm nháp hương vị Tết đích thực của quê nhà.*
Minh Dũng