Nỗ lực giành giật cử tri
Khi thời gian trôi qua nhanh chóng, ông Donald Trump một lần nữa đưa ra những phát biểu ngụ ý về khả năng sẽ không chấp nhận thất bại nếu không đắc cử. Trong bài phát biểu dài 90 phút tại cuộc vận động tranh cử ở Lititz, bang Pennsylvania, ông Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến vấn đề gian lận bầu cử dù không có bằng chứng. Ông còn nhắc lại vụ ám sát hụt nhằm vào ông hồi tháng 7 tại Butler; đồng thời bày tỏ sự hoài nghi đối với giới truyền thông mà ông thường cáo buộc là đưa “tin tức giả”.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có mặt tại một nhà thờ ở Detroit, Michigan, nơi bà kêu gọi “hãy cùng nhau mở ra chương mới trong lịch sử”. Bà nhấn mạnh hiện là thời điểm nước Mỹ phải nỗ lực tập trung vào việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Bà chỉ trích những cáo buộc gian lận bầu cử của ông Donald Trump là nhằm khiến cử tri cảm thấy “phiếu bầu của họ sẽ là vô nghĩa”. Bà khẳng định rằng các hệ thống tổ chức cuộc bầu cử năm 2024 là đáng tin cậy; nhấn mạnh chính người dân sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử.
Michigan cũng là một trong những bang chiến địa được theo dõi sát sao. Năm 2016, ông Donald Trump từng thắng bang này nhưng tới năm 2020, Tổng thống Joe Biden lại giành chiến thắng. Bang này có cộng đồng người Mỹ gốc Arab đông đảo, vì vậy mối quan tâm của họ là chính sách Trung Đông của 2 ứng cử viên. Bà Harris hiện đang phải đối mặt với thách thức từ cộng đồng người gốc Arab này, vốn phản đối cách thức mà chính phủ của ông Joe Biden xử lý cuộc xung đột Hamas - Israel.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trước “Ngày phán quyết” cho thấy hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris đang ở thế cân bằng khi cùng nhận được 49% số phiếu ủng hộ trên phạm vi toàn quốc.
Tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng mạnh
Hơn 77,3 triệu cử tri đã bỏ phiếu trước ngày bầu cử 5-11, đạt hơn 50% tổng số cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bà Kamala Harris cho biết, bà đã gửi lá phiếu đến bang quê nhà California để bầu cho chính mình.
Với 19 phiếu đại cử tri, Pennsylvania được đánh giá là bang chiến địa có vai trò quyết định nhất trong số 7 bang dao động của cuộc bầu cử năm nay. Các điểm bầu cử mở cửa từ 7 giờ đến 20 giờ ngày 5-11 (giờ địa phương). Kết quả kiểm phiếu sơ bộ dự kiến được công bố vào rạng sáng 6-11 theo giờ bờ Đông của Mỹ (chiều 6-11 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, kết quả chính thức cuối cùng có thể sẽ phải chờ 1-2 ngày để nhân viên bầu cử có thời gian kiểm bằng tay đối với các lá phiếu gửi qua đường bưu điện.
Điểm đáng lưu ý trong cuộc bầu cử năm nay tại Pennsylvania là tỷ lệ cử tri đi bầu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện tăng mạnh so với năm 2020. Do đó, dự kiến trong ngày bầu cử, các điểm bỏ phiếu không bị quá tải và cử tri sẽ không phải chờ đợi lâu như 4 năm trước. Theo Ủy ban Bầu cử Liên bang, Pennsylvania có 9 triệu cử tri đăng ký, trong đó gần 4 triệu cử tri đã đi bầu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Trong khi đó, Hội đồng Bầu cử bang North Carolina thông báo đã có hơn 4,2 triệu cử tri tại bang này đi bỏ phiếu sớm, đánh dấu kỷ lục mới và vượt qua con số ghi nhận năm 2020. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đặc biệt cao tại các hạt miền Tây chịu ảnh hưởng của cơn bão Helene, vượt xa phần còn lại của bang. Bầu cử sớm, kết thúc vào ngày 2-11 vừa qua, đã trở thành lựa chọn phổ biến trong nhiều chu kỳ bầu cử tại bang “chiến địa” này.
Nếu không xảy ra tranh chấp trong quá trình kiểm phiếu, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được xác định không lâu sau ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp, người Mỹ sẽ phải đợi đến ngày kiểm phiếu đại cử tri (6-1-2025) mới biết chính xác ai đắc cử Tổng thống Mỹ.