Ve đã kêu ran cả phố, phượng và bằng lăng cũng nở tự lúc nào. Buổi sáng, vừa ló mặt ra phố, đã phải nheo mắt vì cái chói chang của nắng sớm, tôi tự nhủ - hè tới rồi. “Ở nhà mình gặt chưa hả mẹ?”.
Vừa nghe thấy giọng của mẹ rổn rảng phía bên kia, tôi đã vội hỏi ngay. Mẹ nhẩm đi tính lại, xem khắp làng trên xóm dưới nhà nào gặt rồi, nhà nào còn nấn ná. Cha mẹ đã già, con cái cũng đi xa hết, có mấy sào ruộng để cho người ta cấy, cuối vụ chỉ lấy ít thóc. Nhưng cứ đầu hè, gọi điện về, y như rằng đứa nào cũng hỏi chuyện cấy với gặt.
Dù bao năm xa mấy chuyện đồng áng nhưng đứa nào cũng nhớ. Có lẽ do tuổi thơ chúng tôi gắn với cánh đồng. Rời xa sách vở vài hôm, cả đám lại vác liềm ra đồng. Ngày gặt vui như hội. Mới ba giờ, trời còn chưa sáng, mẹ đã dậy thổi cơm, lo ăn uống để đi gặt cho sớm. Bốn giờ, trời còn chưa sáng tỏ, người ta đã í ới gọi nhau khắp ruộng sâu, đồng cạn.
Trẻ con chưa phải ra đồng, nhưng vào mấy ngày gặt, cũng bận tối mắt tối mũi chứ chẳng chơi. Bình thường có mẹ ở nhà, mấy chị em chỉ lo quét cái sân, đun ấm nước, giặt vài bộ quần áo. Hôm nay người lớn đi vắng, heo gà, cám bã cái gì cũng đến tay. Trưa, mẹ thồ lúa về, thấy công việc chưa đâu vào đấy, kiểu gì cũng bị mắng. Nên chẳng ai bảo ai, mấy chị em cứ im thin thít mà làm, chẳng dám tị nạnh nhau.
Mùa gặt, lũ trẻ lại hỉ hả vì được uống ké nước chanh đá của bố mẹ. Ngày ấy, tủ lạnh còn là thứ xa xỉ ở nông thôn. Nên chỉ cần nhắc tới nước đá, bọn trẻ con cũng mở cờ trong bụng. Thấy người lớn thồ lúa về, mấy chị em hò nhau đi mua đá, rồi ra vườn hái chanh.
Thời đó, chỉ một ngàn đồng là mua được thanh đá to. Về nhà gói vào khăn mặt sạch, hì hụi đập cho vụn. Nhìn mấy cục đá nổi bồng bềnh trong cái ca nhựa màu xanh, đứa nào cũng thích mê. Người lớn sợ buốt răng, nên chỉ uống ngụm nước chanh cho đỡ mệt. Còn lũ trẻ hò nhau múc những cục đá con con chưa tan hết, bỏ vào miệng nhai côm cốp.
Con trẻ ở làng quê cứ thế lớn lên. Từ đứa bé loắt choắt, chẳng mấy chốc đã biết cầm liềm ra đồng rào rào cắt lúa. Dẫu nhễ nhại mồ hôi, chúng tôi vẫn không quên buông lời trêu chọc nhau, rồi cười vang giữa nắng hè, để gió mang tiếng cười khắp ruộng trên, đồng dưới.
Lớn lên, biết đồng áng vất vả nên mấy chị em bảo nhau học rồi trụ lại phố thị. Thế nhưng ký ức về ngày mùa vẫn chơi trốn tìm trong tâm trí, đợi một trưa hè nào đó, lại “ú òa” hiện ra!