“Trời mưa bong bóng phập phồng/Con cá rô ngược nước, lách lùng bơi lên”. Mùa mưa, trời rỉ rả suốt cả ngày, xong công chuyện, ai ở nhà đó không dám đi đâu vì đường trơn trợt. Ngồi trong nhà nhìn ra mé sông, mưa trắng xóa, ngó mà rầu thúi ruột. Mấy bữa mưa lớn, gió dông ào ào, tía má đi ruộng chưa về, sấp nhỏ ở nhà một mình thể nào cũng trông đứng trông ngồi.
Có mưa, có nắng cây lúa mới lớn mà trổ bông, ruộng đồng, ao hồ mới có tôm có cá. Mưa đổ hột, sấm rền vang trời, cũng là mùa cá theo con nước lên ruộng để sinh sản, dân bắt cá chỉ việc đón ở những chỗ có nguồn dẫn nước lên ruộng mà đặt lờ, đặt lợp, giăng lưới… Cá ngoài sông theo con nước tràn vào, đi thăm lúa ruộng, thấy cá lóc lên là bắt liền, phải thiệt nhanh tay, nhanh chân chứ không kịp là cá chạy mất.
Trời mưa lạnh lẽo, ăn cơm với cá kho tộ nóng hổi, thơm thơm, cay cay mùi tiêu, hành, ớt là bắt cơm lắm. Ăn đúng theo mùa phải là cá rô đồng kho tộ, kho khô, nước kho sền sệt chút, cá chín rồi rắc thêm tiêu, hành lá, mấy trái ớt chín… là đúng điệu. Cá rô kho trong cái tộ lớn bằng sành, hoặc cái nồi đất thì thịt cá chín mới thơm, ngọt. Trời mưa lạnh, cá kho trong tộ, trong nồi đất giữ nóng lâu hơn. Tía má có đi ruộng về trễ chút, đồ ăn cũng còn nóng.
Má hay dặn, cá rô kho tộ phải lựa cá rô mề. Cũng không biết ai đặt cái tên nghe thiệt lạ. Nghe tía má kêu vậy, rồi mấy dì trong xóm đi chợ mùa này là kiếm mua cho được cá rô mề về kho. Kêu riết thành quen, biểu cắt nghĩa, ai cũng cười trừ: “Tao nghe ông bà xưa kêu sao thì kêu vậy, bây hỏi khó quá, tao không biết đâu”.
Mùa lúa trổ bông là mùa cá rô mề ngon nhất, con to độ khoảng 2-3 ngón tay và nhiều mỡ. Bởi cá rô đớp nhụy bông lúa chín rụng đầy mặt ruộng, thành nguồn dinh dưỡng thêm cho cá, con đực đầy mỡ vàng óng, con cái đầy trứng, kho lên là béo ngậy, ngọt thịt phải biết. Nhà nào không thích cá rô mề kho thì chiên xù, để lửa lớn cho cá chín vàng, giòn rụm, thêm chén nước mắm mặn, dĩa rau luộc là thể nào cũng hết sạch nồi cơm.
Theo lời má thì cá rô mề chiên xù chưa đánh giá được con gái trong nhà khéo tay tới cỡ nào, phải là kho tộ. Cá kho đâu khó, nhưng kho cá rô mề ngon đúng điệu phải tỉ mỉ từng chút một. Cá mần sạch, để ráo nước, rồi đem đi ướp, ngon nhất là ướp với nước màu dừa. Gia vị xong xuôi, thêm chút tóp mỡ để khi cá chín thịt béo và thơm hơn. Lúc kho cá, dẹp mấy công chuyện lặt vặt khác qua một bên, để lo canh lửa riu riu, vì cá kho trong tộ sành, lửa cháy hỗn, nóng quá bể tộ là coi như xong, phải lửa riu riu, cá mới chín và thấm đều gia vị.
Chờ cá chín là nhắc xuống bếp, phải thêm hành lá và chút tiêu, bởi ông bà mình dạy từ xưa: “Ví dầu bắt cá kho khô/Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Không có 2 thứ này là món cá kho tiêu lạc quẻ liền, mất hết vị ngon. Tới đây là mùi cá kho đã thơm khắp nhà, chưa tới giờ cơm nhưng nghe bụng bắt đầu cồn cào.
Người kho cá khéo hơn nhau ở chỗ, tộ cá rô mề vừa nhắc xuống bếp phải còn sôi một chút, nổi bong bóng bé xíu, nước kho sệt màu vàng nâu thơm phức. Và ăn không hết, để bữa sau hâm lại thì nước kho sệt và ngon hơn, vị đậm đà hơn, nên ngay từ công đoạn ướp cá không được ướp quá tay, hâm đi hâm lại cá sẽ bị mặn.
Cá rô mề kho tộ ăn với cơm nóng, canh chua bông so đũa, hay rau tạp tàng trong vườn có nhiêu hái nhiêu, rồi đem luộc chấm với nước kho là bắt cơm không gì bằng. Nhưng ăn cơm cũng phải từ từ, nhất là đám con nít, ăn món này là người lớn trong nhà phải coi chừng mà lừa xương cho tụi nhỏ. Con cá rô mề ngon nhưng nhiều xương, vừa ăn vừa cà rỡn như tụi nhỏ là dễ mắc xương như chơi.
Không nặng hình thức, cũng không cầu kỳ nguyên liệu, hay gia vị thượng hạng, nồi cá rô mề kho tiêu ngon bởi sự tích tụ của hương đồng cỏ nội, sản vật trời cho theo từng con nước lớn, ròng. Khác hẳn với con cá rô của thời đô thị hóa, ruộng, vườn nhường chỗ cho công trình, con cá rô nuôi bằng thức ăn công nghiệp, có con “biết nói” to bằng cả bàn tay, nhưng cá kho lên thì thịt bở và nhạt nhẽo. Nhưng rồi với túi tiền của người lao động, con cá rô nuôi công nghiệp hay loại thực phẩm nào khác cũng có người mua hết. Nhìn mà tiếc cái hương vị đồng nội, cái nồi cá rô mề đậm đà như gói ghém đặc sản cả một miền quê.