Sáng 6-7, cán bộ làm công tác coi thi đã tham dự cuộc họp cán bộ coi thi do các hội đồng thi tổ chức. Chiều nay, thí sinh sẽ đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Kỳ thi chính thức diễn ra vào các ngày 7, 8-7. Dự kiến, các hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi đồng thời vào ngày 24-7; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26-7.
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi; thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD-ĐT quy định. Năm nay, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%.
Bộ GD-ĐT cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được thực hiện khẩn trương, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương với 2.243 điểm thi, 42.293 phòng thi. Tính tới thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Báo cáo của các địa phương và ghi nhận từ các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT cho thấy, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức kỳ thi. Tất cả các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, có sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan. Nhiều tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện.
Các địa phương đều có giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, không để thí sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, công tác chuẩn bị đề thi được bảo mật, an toàn, đúng quy định. Đề thi gốc đã được chuyển đến các hội đồng thi ở địa phương để in sao theo quy định, bảo đảm phục vụ tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Hội đồng ra đề thi thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu tổ chức thi. Đề thi gốc được bàn giao cho các hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các sở GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao đề thi tại địa phương.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu tổ chức kỳ thi: chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi. Các địa phương phải bảo đảm kỳ thi được diễn ra tại địa phương an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cử cán bộ giảng viên phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức kỳ thi theo điều động của Bộ GD-ĐT. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau khi có kết quả thi: cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.