Ở miền Bắc nước ta, có hai lễ hội phồn thực nổi tiếng là “Linh tinh tình phộc” (ở tỉnh Phú Thọ) và lễ hội “Ná nhèm” (ở tỉnh Lạng Sơn), mỗi lần tổ chức thu hút hàng ngàn đến hàng vạn lượt người đến tham dự lễ hội, gồm cả du khách nước ngoài.
Trong đó, lễ hội “Linh tinh tình phộc” ở tỉnh Phú Thọ được nhiều người biết hơn, còn lễ hội “Ná nhèm” ở tỉnh Lạng Sơn vẫn còn chưa nhiều người biết do mới được phục hồi khoảng 10 năm trở lại đây.
Lễ hội có 1 không 2
Lễ hội này được tổ chức tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) - cách Hà Nội khoảng 150km về phía Bắc, cách TP Lạng Sơn gần 100km về phía Tây. Từ Hà Nội có thể di chuyển đến Bắc Sơn theo cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn rẽ tại Hữu Lũng.
Theo người dân bản địa, “Ná nhèm” là tiếng Tày, có nghĩa là “bôi mặt nhọ”, “làm nhọ mặt”. Điểm đặc sắc của Lễ hội Ná nhèm là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt) từ đình ra miếu với ý nghĩa là ước mong sinh sôi nảy nở.
Lễ hội Ná nhèm đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” từ năm 2015.
Mỗi năm lễ hội, các sinh thực khí lại được làm mới để đưa vào lễ rước. Tàng thinh có kích thước dài khoảng 1,3m và đường kính 30cm, nặng khoảng 60kg. Những năm gần đây, tàng thinh được các nghệ nhân ở Bắc Sơn chạm trổ y như thật, sơn màu hồng nhạt, thắt nơ.
Đến dự lễ hội, nhiều cô gái đỏ mặt khi thấy linh vật được rước ra từ ngôi đình cổ lợp mái ngói. Tuy nhiên, cũng có nhiều du khách cố sờ vào để cầu mong may mắn, nhất là những người hiếm muộn. Trong Lễ hội Ná nhèm năm 2023, ước có khoảng 4.000 người ở khắp mọi miền đến xem lễ hội.
Năm nay, theo UBND xã Trấn Yên, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội Ná nhèm 2024 đã được người dân chuẩn bị xong xuôi, sẵn sàng cho lễ hội, diễn ra từ chiều nay 23-2, tức 14 tháng Giêng, nhưng trọng tâm là rằm tháng Giêng (24-2), gồm nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, trong đó có nghi thức rước sinh thực khí.
Giữ gìn hình ảnh, không để trở thành dung tục và phản cảm
Khoảng 1-2 năm gần đây, số lượng người đến dự lễ hội Ná nhèm ở tỉnh Lạng Sơn ngày càng nhiều lên. Nhưng, nhiều khách du lịch đã cố tình sờ vào linh vật hoặc tìm cách chụp ảnh cùng linh vật để đăng lên mạng xã hội, khiến dư luận xã hội đánh giá là “dung tục”, “phản cảm” (nhất là hình ảnh một số phụ nữ chụp chung hoặc tự selfie).
Về vấn đề này, TS Bàn Tuấn Năng, công tác ở Viện Văn hóa - Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), người có công phục dựng Lễ hội Ná nhèm, cho biết, chính những hình ảnh xấu xí đó khi đăng lên mạng xã hội mà không khéo léo, có thể làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của lễ hội độc đáo này.
Theo ông Năng, đây là một lễ hội có ý nghĩa tâm linh, thể hiện tín ngưỡng dân gian, có giá trị nhân văn và văn hóa. Những người chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội thường không phải là người dân sở tại mà thường ở nơi khác đến, chưa hiểu về lễ hội. Họ chụp những bức ảnh rồi đăng lên mạng xã hội chủ yếu để cộng đồng quan tâm (câu like, câu view) với lời lẽ có thể hướng dư luận đến những cách hiểu tiêu cực.
TS Bàn Tuấn Năng lo ngại, tình trạng này nếu tái diễn, có thể ảnh hưởng đến công sức của chính những người dân sở tại và những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã dày công phục hồi lễ hội độc đáo này.
Còn theo ý kiến của ông Hoàng Văn Ngọc, một người dân ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), lễ hội Ná nhèm ở huyện Bắc Sơn rước sinh thực khí là một lễ hội rất nhân văn. Tuy nhiên, cách ban tổ chức cho thiết kế linh vật “tàng thinh” giống y như thật đã dẫn đến hình ảnh thô tục cũng như cách hiểu mang tính dung tục. Bởi trước đây, linh vật tàng thinh đem rước chỉ là một khúc gỗ phủ vải đỏ, còn nay làm y như thật lại không phủ kín bằng vải đỏ mà bằng vải thưa. “Nếu linh vật "mặt nguyệt" cũng được làm giống như thật để rước thì mọi người nghĩ sao?”, ông Ngọc đặt câu hỏi.