Ngày 18-9, trao đổi với PV báo SGGP ông Nguyễn Danh Thắng- Phó TGĐ Công ty Vận tải thủy, Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho biết chiều mai 19-9 sẽ tổ chức tiếp xúc và đối thoại với anh em nghệ sĩ về những bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Chia sẻ xung quanh những vướng mắc của nghệ sĩ về hoạt động của hãng phim truyện Việt Nam, ông Danh Thắng cho biết: Thực hiện chủ trương của Hội đồng quản trị sau khi tiếp nhận từ ngày 23-6- 2017 cũng là ngày Công ty đi vào hoạt động. Kể từ khi đi vào hoạt động, Hội đồng quản trị đã chủ trương cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, bởi cơ sở vật chất hiện tại đã mục nát. Vì vậy Hội đồng quản trị đã thực hiện nâng cấp và chuyển kho đạo cụ sang bên kho hàng của Công ty Vận tải thủy ở Gia Lâm. Hội đồng quản trị đã chỉ đạo Ban giám đốc thực hiện giám sát cùng với người trực tiếp quản lý phòng đạo cụ, rà soát, kiểm tra những đạo cụ nào bị mục nát thì bỏ đi, đạo cụ nào vẫn sử dụng được thì liệt kê danh sách giữ lại chuyển sang kho bên Gia Lâm, tạm thời lưu giữ để chờ cải tạo nâng cấp sửa chữa kho bên này.
Về phòng kịch bản, tôi thấy mọi người trong phòng đã chuyển tất cả đồ như bàn ghế, tài liệu sang phòng khác. Riêng tủ kịch bản thì để lại. Tôi nghĩ rằng đó là tài sản không thể bỏ đi trong khi bên Hãng phim không thể bảo quản được nên tôi đã liên hệ với bên Viện Phim Việt Nam để gửi kịch bản sang đó. Tôi cũng đã có biên bản bàn giao, thống kê chi tiết toàn bộ số lượng kịch bản với Viện Phim Việt Nam.
Hãng phim truyện VIệt Nam liệu còn tiếp tục duy trì việc làm nghề? Riêng về chuyện tiền lương, ông Thắng nói rõ: “Khi tôi mới về, tôi cũng đã tìm hiểu, lực lượng cán bộ, nghệ sĩ rất đông, hơn 80 người mà gần hai năm nay không có việc. Mỗi năm cũng có một phim do nhà nước đặt hàng. Một số người làm việc, còn đa số là không có việc, nhưng hàng tháng đến ngày vẫn lĩnh lương. Vì vậy tiền ngân sách nhà nước đặt hàng cho Hãng phim, chỉ một phần phục vụ cho sản xuất phim còn đa số là giữ lại, kể cả tiền thuế VAT, để trả lương dần cho cán bộ, công nhân viên tại Hãng”.
Cũng theo ông Thắng, hiện hãng có nhiều người đã đi ra làm ngoài nhưng đến kỳ lĩnh lương vẫn đến nhận mặc dù không làm việc gì cho hãng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Thắng thừa nhận, Tổng Công ty Vận tải thủy với tư cách nhà đầu tư chiến lược vốn chẳng “bà con” gì với điện ảnh, cho nên những bước đi đầu tiên gặp phải không ít khó khăn. Bộ máy nhân sự hơn 80 người, cồng kềnh ở nhiều vị trí đang khiến ban lãnh đạo Công ty “rối trí”, thậm chí khủng hoảng…
Như tin đã đưa, sau hai tháng chuyển sang cổ phần, tình trạng không việc, nợ lương cùng những thay đổi liên tiếp trong tổ chức khiến cán bộ, nghệ sĩ thuộc hãng phim truyện Việt Nam hoang mang lo lắng mất việc và không còn tiếp tục được làm nghề...
MAI AN