Đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Vương quốc Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Thái Lan sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam -Thái Lan ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Theo chương trình dự kiến, Chủ tịch nước và Phu nhân sẽ có cuộc hội kiến với Nhà vua Thái Lan và Hoàng hậu; Chủ tịch nước và lãnh đạo một số bộ sẽ hội đàm với Thủ tướng Prayut Chanocha và các thành viên nội các Thái Lan; dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, trong đó có Bản Kế hoạch hành động triển khai đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027; gặp Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và các vị lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Thái Lan; dự cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Thái Lan; dự lễ khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và một số hoạt động khác.
Trong năm 2022, Thái Lan đã tổ chức hơn 120 cuộc họp trong khuôn khổ APEC. Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề xuyên suốt của Năm APEC 2022 là "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng" với tầm nhìn về một APEC mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi phương diện, cân bằng trên mọi khía cạnh. Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung vào 3 ưu tiên, gồm: thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh.
Năm 2022 là năm đầu tiên diễn đàn triển khai kế hoạch về tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định vai trò diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.
Thái Lan và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau. Về đầu tư, hiện Thái Lan đứng thứ 8 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 700 dự án, tổng vốn trên 13 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, bán lẻ, nông nghiệp, môi trường, tài chính - ngân hàng, điện tử, điện lạnh, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi... đặc biệt gần đây có xu hướng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.
Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt khoảng 19 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan trung bình đạt khoảng 7 tỷ USD một năm. Việt Nam thuộc tốp đầu các thị trường xuất khẩu của Thái Lan. Hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam có 17 dự án đầu tư sang Thái Lan, vốn đăng ký 32,8 triệu USD, đứng thứ 33/79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ.
Về lao động, hai bên đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động và thỏa thuận về việc tuyển dụng lao động (7-2015); đang thúc đẩy mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam sang Thái Lan.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 39.679 lượt khách Thái Lan và khách Việt Nam đến Thái Lan là khoảng 130.000 người.
Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan. Việt kiều tại Thái Lan có khoảng 100.000 người, hòa nhập tốt ở sở tại và hướng về quê hương đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ Thái Lan tặng Việt Nam 10.000 bộ kit xét nghiệm, 300.000 liều vaccine AstraZeneca. Việt Nam cũng ủng hộ Thái Lan vật tư y tế trị giá 50.000 USD.
APEC được thành lập năm 1989 và Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 năm 1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia.Trong 24 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động với diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Thái Lan chi khoảng 3,2 tỷ baht (hơn 89 triệu USD) cho công tác tổ chức APEC 2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Nữ hoàng Sirikit (Bangkok, Thái Lan) - được cải tạo và khánh thành ngày 15-10-2022, với tổng diện tích 300.000 m2 và có sức chứa lên đến 100.000 người.
Nhằm bảo đảm an ninh, Thái Lan huy động hơn 20.000 nhân viên an ninh để bảo vệ an toàn cho các sự kiện, tháp tùng lãnh đạo các nền kinh tế. Nhiều tuyến đường, nút giao thông, nhà ga Metro, tàu điện quan trọng của TP Bangkok và hai tỉnh lân cận Nonthaburi và Samut Prakan hạn chế hoặc tạm ngưng hoạt động. Đồng thời, trong những ngày diễn ra sự kiện, các thiết bị bay không người lái bị cấm hoàn toàn.