Ngày khai giảng còn đâu ý nghĩa?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung thời gian năm học đối với các bậc học từ mầm non đến THPT. Theo đó, ngày tựu trường sớm nhất là ngày 1-8 và muộn nhất là ngày 25-8. Tổ chức khai giảng vào ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” - ngày 5-9.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung thời gian năm học đối với các bậc học từ mầm non đến THPT. Theo đó, ngày tựu trường sớm nhất là ngày 1-8 và muộn nhất là ngày 25-8. Tổ chức khai giảng vào ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” - ngày 5-9.

Từ nhiều năm qua, ngày tựu trường với tiếng trống rộn rã báo hiệu bắt đầu năm học mới đã dần mất ý nghĩa, bởi lẽ, nhiều học sinh ở thành thị đã đến trường từ giữa tháng 8, thậm chí phải còng lưng học hè suốt hai tháng 7 và 8. Không còn thụ hưởng mùa hè đúng nghĩa vui chơi, giải trí nên ngày nhập học, các em ít có cảm giác hồi hộp, vui mừng khi được gặp lại bạn bè, thầy cô giáo. Với quy định mới này, ngày tựu trường còn ấn định sớm hơn, bắt đầu từ ngày 1-8. Như thế, khi đã học xong 1 tháng, học trò các bậc học mới tham dự lễ khai giảng và không phải ai cũng hiểu được, các em có cảm xúc gì?

Nhiều thế hệ học trò “già” trước đây luôn nhớ về kỷ niệm ngày khai trường đầy ý nghĩa, giàu cảm xúc. Đó là ngày bắt đầu cho một năm học mới và tất cả học sinh đều xúng xính trong những bộ đồng phục mới tinh, gương mặt hân hoan. Đó là ngày sân trường rộn rã tiếng cười, niềm vui gặp mặt đong đầy sau 3 tháng hè xa cách… Được tận hưởng 3 tháng hè đúng nghĩa, học trò tràn đầy năng lượng để bắt đầu một năm học mới, hào hứng tiếp thu kiến thức mới. Còn bây giờ, những lời than oán “Ai chở mùa hè của con đi đâu?” là điệp khúc không bao giờ cũ…

Như thế, nếu đã ấn định thời gian tựu trường sớm nhất và muộn nhất trong tháng 8, thì Bộ GD-ĐT đừng nên quy định bắt buộc ngày khai giảng - “Toàn dân đưa trẻ đến trường” là ngày 5-9. Tùy theo thực tế, từng địa phương sẽ quy định thời gian nhập học và đồng loạt khai giảng cùng ngày để học sinh đón nhận niềm vui chung của ngày tựu trường. Một vấn đề cần nhắc lại là ngày hội khai trường phải tổ chức sao cho long trọng, gây ấn tượng đối với học trò chứ không thể là buổi lễ cứng nhắc báo cáo thành tích của nhà trường. Không ít học trò nhận xét rằng kịch bản ngày khai giảng năm học nào cũng giống nhau và các em không cảm nhận đó là ngày hội của chính mình. Như thế, các trường cũng cần nghiên cứu, tổ chức phần hội nhiều hơn phần lễ và có những hoạt động phong phú, thiết thực dành cho những cô cậu học trò thích khám phá những điều mới lạ.

NGUYỄN THÀNH

Tin cùng chuyên mục