Ngày hội của sự hòa hợp, đoàn kết

Sau khi các khối diễu binh, diễu hành trang nghiêm đi qua lễ đài trên đường Lê Duẩn và cơ động về các hướng theo kế hoạch, một số đơn vị đã tập kết tại Công viên 23-9 (quận 1, TPHCM) để tham gia chương trình giao lưu cùng người dân.

Tại đây, các chiến sĩ, cán bộ cùng người dân hòa mình trong bầu không khí sôi nổi, trẻ trung mà đầy xúc động, gợi mở tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên sân khấu dã chiến giữa công viên, những tiết mục văn nghệ rộn ràng được các nghệ sĩ trẻ trình diễn sôi nổi, lan tỏa không khí vui tươi, kết nối. Người dân không chỉ theo dõi, mà còn cùng nhau hát vang những ca khúc cách mạng đầy hào khí, như để tự hào nhắc nhớ về chặng đường 50 năm non sông liền một dải.

Trong tiếng nhạc ngân vang là những cái bắt tay, cái ôm thân tình giữa các thế hệ - những người từng đi qua chiến tranh và thế hệ thanh niên hôm nay, giữa người dân ba miền, giữa đồng bào và bạn bè quốc tế. Tất cả cùng hội tụ, không phân biệt tuổi tác, quê quán hay sắc phục, tạo nên hình ảnh sống động, cảm động về sự hòa hợp bền chặt và tinh thần dân tộc thống nhất.

A3a.jpg
Các chiến sĩ QĐND Việt Nam bắt tay nồng nhiệt với người dân. Ảnh: CẨM TUYẾT

Công viên 23-9 trở thành nơi gặp gỡ, chia sẻ đầy ý nghĩa. Người dân nô nức chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ diễu binh, trò chuyện và hỏi thăm sức khỏe họ như những người thân lâu ngày hội ngộ. Không chỉ với các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, người dân còn vô cùng hào hứng khi được chụp ảnh kỷ niệm cùng các quân nhân đến từ Lào và Campuchia - những người bạn truyền thống thân thiết.

Giữa cái nắng trưa rực lửa, hình ảnh chiến sĩ Đỗ Thị Chín ân cần lấy những trái cam mang theo chia cho người dân khiến nhiều người không khỏi cảm động. Người dân đón nhận những trái cam ấy không chỉ như món quà mát lành, mà còn như một cử chỉ đậm nghĩa tình quân dân - một nét đẹp đã trở thành truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Chị Lê Quỳnh Anh (sinh năm 1997, quê Hà Nam), thuộc khối Nữ sĩ quan thông tin, không giấu được niềm tự hào: “Tôi rất vinh dự được tham gia diễu binh lần này. Trước đó, tôi đã từng tham gia diễu binh. Lần này, tôi cảm nhận tình cảm của người dân dành cho lực lượng diễu binh càng sâu đậm, càng nồng nhiệt hơn với chúng tôi”.

Với chị Ngô Thị Linh (sinh năm 2000, quê Hà Nội), lần đầu tiên được tham gia diễu binh trong sự kiện trọng đại của dân tộc là một dấu son không thể nào quên. Nhận đóa hồng đỏ thắm từ tay một bạn trẻ, chị Linh xúc động: “Chính tình cảm của người dân giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của người chiến sĩ trong thời bình”.

Không chỉ người trẻ xúc động, bà Phan Thị Lược (sinh năm 1952) đã cùng con từ Bình Phước về TPHCM từ tối 29-4 để kịp đến theo dõi lễ diễu binh, diễu hành. Khi các khối quân đi qua, bà không giấu được nước mắt: “Tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc vì được sống trong đất nước hòa bình, nơi mà ai cũng thương yêu nhau như anh em một nhà”.

Ở một góc khác của công viên, chị Vũ Thị Diệu Thúy, Tiến sĩ Luật học từ Pháp, mới trở về Việt Nam công tác tại một trường đại học ở TPHCM, chia sẻ: “Bao năm sống xa quê, giờ được chứng kiến lễ diễu binh trên chính đất mẹ, tôi bồi hồi lắm. Có lúc ở nước ngoài, tôi gặp người đồng hương có góc nhìn khác về lịch sử. Nhưng hôm nay, khi nhìn thấy mọi người cùng nắm tay, cùng hô vang khẩu hiệu, cùng khóc và cười, tôi tin rằng: quá khứ đau thương đã ở phía sau”.

Dư âm của ngày hội còn đọng lại trong ánh mắt, nụ cười, trong những câu hát và lời chúc, trong cái siết tay quyến luyến khi đoàn xe chở các chiến sĩ, cán bộ rời đi. Đó là ánh mắt dõi theo chưa kịp nói lời chia tay, là cảm giác nghẹn ngào không tên giữa lòng thành phố náo nức.

Cựu chiến binh NGUYỄN CHÍ BẤC (sinh năm 1958, ngụ tỉnh Khánh Hòa):

Chúng ta đang hòa chung nhịp đập

Từ 3 hôm trước, tôi đã vào TPHCM để hôm nay, tôi cùng vợ con và các cháu được hòa mình vào ngày vui của cả dân tộc, tôi rất xúc động. Nhất là hình ảnh các bạn trẻ vẫy tay, giơ cao lá cờ đỏ sao vàng chào đón các đoàn, nhóm cựu chiến binh; khi thấy những người lính già không có chỗ ngồi, nhiều bạn trẻ đã tình nguyện lùi về phía sau nhường chỗ, với tôi, đó là hình ảnh rất đẹp. Là người lính, tôi rất tự hào khi được chứng kiến không gian tràn ngập tràn hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hàng triệu người từ khắp nơi về đây để cùng hòa nhịp mừng ngày non sông thống nhất.

Từ niềm hạnh phúc hân hoan này, tôi hy vọng sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không dừng lại ở lòng biết ơn, tri ân thế hệ đi trước mà còn tiếp lửa cho thế hệ trẻ thêm yêu, tự hào về đất nước, từ đó viết thêm những trang sử hào hùng trong thời bình của dân tộc.

Anh PHẠM VŨ HẢI HOÀNG (sinh năm 1991, đến từ Hải Phòng):

Thấy mình có trách nhiệm hơn với tương lai đất nước

Tôi đã thu xếp công việc từ nhiều ngày trước để bay vào TPHCM, chỉ với một mong muốn duy nhất: được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử tròn 50 năm đất nước thống nhất. Chúng tôi đã ngồi ở khu vực này (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) từ 1 giờ 30 ngày 29-4, cả nhà mặc áo cờ đỏ sao vàng. Hôm nay, chúng tôi không chỉ đến để xem, mà để góp mặt, như một người con đất Bắc vào Nam trong ngày hội non sông.

Không gì bằng được hòa vào dòng người ngay giữa TPHCM - thành phố từng là tuyến lửa. Tôi cảm nhận rõ tinh thần dân tộc, sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước và cả lòng biết ơn những người đã ngã xuống. Đây là dịp để thế hệ chúng tôi nhìn lại quá khứ, trân trọng hiện tại và có trách nhiệm hơn với tương lai của dân tộc. Là một người Việt Nam, tôi thấy mình đang góp phần gìn giữ ký ức thiêng liêng ấy.

Chị KIỀU THỊ THẢO (sinh năm 1997, ngụ quận Tân Phú, TPHCM):

Tôi thấy mình quá may mắn

Từ 16 giờ ngày 29-4, tôi đã cùng nhóm bạn đã có mặt tại khu vực đường Lê Lai (quận 1), chọn cho mình một vị trí thật đẹp để chờ đón giây phút thiêng liêng của đại lễ qua màn hình LED cỡ lớn.

Sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi thấy mình thật may mắn vì biết bao người đã ngã xuống vì Tổ quốc để chúng ta có được cuộc sống tự do, hạnh phúc như hôm nay. Và trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mỗi người trẻ chúng tôi sẽ nỗ lực học tập, làm việc, cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tôi có chuẩn bị những bông hoa bằng len do chính tôi đan. Những đóa hoa nhỏ xinh ấy, tôi muốn trân trọng dành tặng các thành viên khối diễu binh mà tôi yêu mến thay cho lời cảm ơn.

Anh VŨ HOÀNG KỲ LINH (sinh năm 1996, người Việt sinh ra và lớn lên tại Đức):

Tôi không kìm được nước mắt

Lần đầu tiên được trải nghiệm không khí của một lễ diễu binh quy mô lớn ngay trên đất mẹ, tôi thật sự nghẹn lời. Ngay từ khi các đoàn quân bắt đầu tiến qua lễ đài, tiếng nhạc vang lên, mọi người xung quanh vỗ tay, hô vang “Việt Nam”, tôi cảm nhận rõ một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, đầy tự hào.

Tôi đã nghe nhiều về ngày 30-4 lịch sử, nhưng hôm nay mới thực sự thấm thía giá trị của sự đoàn kết, của độc lập, tự do. Nghe lời phát biểu của bác cựu chiến binh, tôi không kìm được nước mắt.

Từ nhỏ, bố mẹ tôi ở Đức luôn dạy tôi về nguồn cội, về những mất mát và hy sinh của thế hệ tiền nhân để đất nước được thống nhất. Khoảnh khắc này khiến tôi nhận ra: dù mình sống ở đâu, dòng máu Việt vẫn chảy trong tim. Tôi tự hào là người Việt Nam, và tôi biết mình cần sống xứng đáng hơn với lịch sử, với những gì cha ông đã để lại.

Tin cùng chuyên mục