Kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng 7-1 của nhân dân Campuchia (7-1-1979 – 7-1-2009)

Ngày đẹp nhất về tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Lực lượng vũ trang Quân khu 7 từng có một mùa xuân năm 1979
Ngày đẹp nhất về tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Ngày 7-1-1979, cách đây 30 năm, lá cờ đỏ 5 tháp vàng của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia đã phấp phới bay ở thủ đô Phnom Penh. Đó là ngày sụp đổ của chế độ diệt chủng Pol Pot, mở đầu cho cuộc hồi sinh dân tộc ở Campuchia.

Nguy cơ bị diệt chủng ở Campuchia là hậu quả của chế độ thống trị độc tài tàn bạo của một nhóm trí thức, đại biểu là Pol Pot. Pol Pot cho rằng Hitler với sự thống trị độc tài, đã tạo được sức mạnh to lớn, uy hiếp nhiều nước châu Âu, nhưng bị thất bại vì theo Chủ nghĩa Tư bản. Còn y độc tài tạo ra sức mạnh để xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản nên sẽ thành công. Để thực hiện sự thống trị độc tài, y đã xây dựng ra cái gọi là “Đảng cộng sản” với bí danh là Angkar, nhiều người còn gọi là Khmer Đỏ. Angkar được tổ chức theo kiểu quân đội, đảng viên đều cầm súng. Pol Pot là tổng bí thư kiêm tổng tư lệnh.

Ngày 17-4-1975, quân Angkar tiến vào thủ đô Phnom Penh, 4 ngày sau khi Đại sứ Mỹ ở Campuchia là John Gunther Dean cùng với quyền Tổng thống Campuchia là tướng Saukham Khoy dùng trực thăng chạy ra nước ngoài. Họ bỏ chạy vào lúc Chính phủ Mỹ đã tỏ ra bất lực trước sức tấn công của quân dân 3 nước Đông Dương, đặc biệt là sau chiến dịch Tây Nguyên, quân Việt Nam đại thắng...

Thế nhưng, việc chiếm thủ đô Phnom Penh, được Pol Pot quy công cho lực lượng Angkar và tự cho mình là vị lãnh tụ anh minh tài giỏi, đã đánh thắng Mỹ trước cả Việt Nam. Từ đó, y tự cho mình có thể xây dựng ở Campuchia một xã hội cộng sản rất đặc biệt, trên thế giới chưa từng có.

Theo y, xã hội cộng sản đặc biệt ở Campuchia phải được xây dựng từ phát triển nông nghiệp bằng cách đuổi hết dân các đô thị về nông thôn, buộc toàn dân, kể cả sư sãi, trí thức đều phải tham gia vào đội quân lao động tập thể trong các công xã do Angkar chỉ huy bằng mệnh lệnh quân sự. Ai chống đối sẽ bị giết chết.

Để xây dựng xã hội mới, phải “phá sạch cơ sở địch cài lại”, chúng bắt buộc dân phải đổi vùng cư trú. Để làm cho nước “Campuchia cộng sản” phải là của người Khmer thuần túy, chúng cho Angkar xua đuổi, giết hại những ai không phải người Khmer. Càng xuống cấp dưới, sai lầm càng mở rộng, người bị Angkar giết ngày càng nhiều, hậu quả đi đến nguy cơ bị diệt chủng.

Đối với Việt Nam, ngay sau ngày 17-4-1975, qua đài phát thanh, chúng lớn tiếng vu khống Việt Nam âm mưu lập “Liên bang Đông Dương” để thôn tính Campuchia. Từ đó, ngoài việc xua đuổi và giết hại Việt kiều, ngày 10-5-1975, Pol Pot đã đem quân đổ bộ lên đảo Thổ Chu giết và bắt đi hàng trăm thường dân ta. Chúng còn tăng cường tấn công khiêu khích liên tục. Ngày 30-4-1977, Pol Pot đã huy động 13 sư đoàn quân chủ lực đánh phá ta theo dọc biên giới. Đánh vào nơi nào, chúng giết sạch, phá sạch, cướp sạch.

Năm 1978 ở Nam bộ, nhân dân ta lại gặp nạn đói, Pol Pot cho là thời cơ đã đến. Cuối năm 1978, chúng huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn chủ lực đánh vào vùng Bến Sỏi, mở đầu việc đánh chiếm tỉnh Tây Ninh hòng hỗ trợ cho lực lượng phản động cách mạng nổi dậy lật đổ chính quyền mới ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng chúng đã tính lầm. 3 sư đoàn tinh nhuệ của chúng đã bị quân ta tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn. Bọn phản động hí hửng ngóc đầu dậy ở TP Hồ Chí Minh đã bị tóm gọn.

Những tháng cuối năm 1978, hàng ngàn người dân và cán bộ chiến sĩ rời khỏi hàng ngũ quân đội Pol Pot chạy qua Việt Nam lánh nạn. Họ cho chúng ta biết thảm cảnh của nhân dân Campuchia dưới ách thống trị của Angkar.

Ngày 2-12-1978, qua Thông tấn xã Campuchia và Đài Phát thanh tiếng nói nhân dân Campuchia, chúng ta biết được Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, đã công bố chương trình 10 điểm, trong đó có lời kêu cứu thống thiết. Trên tinh thần giúp bạn cũng là tự cứu mình, ngày 25-12-1978, chúng ta đã cùng bạn mở đầu một cuộc phản công.

Quân ta tiến đến đâu, nhân dân Campuchia vui mừng tiếp sức đến đó. Chỉ qua 12 ngày đêm, đến ngày 7-1-1979, quân ta vào Phnom Penh. Toàn bộ lực lượng Angkar bỏ chạy, bộ máy thống trị diệt chủng của Pol Pot bị sụp đổ, cờ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia phấp phới tung bay khắp nơi ở thủ đô Phnom Penh.

Để khuếch trương thắng lợi đã giành được và để xây dựng lại đất nước, ngoài quân tình nguyện, bạn yêu cầu Việt Nam cử chuyên gia qua giúp. Qua 10 năm giúp bạn, cứ mỗi bước đất nước bạn hồi sinh là một đợt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam rút về nước.

Đến ngày 27-9-1989, toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã rút khỏi Campuchia vào lúc nhân dân Campuchia chẳng những thoát khỏi hiểm họa bị diệt chủng, mà đất nước Campuchia thực sự được hồi sinh.

10 năm, kể từ 1979 đến 1989, chúng ta tự hào về quân tình nguyện và chuyên gia ta đã sẵn sàng gánh vác khi có nghĩa vụ quốc tế cần phải gánh vác, dù phải chịu nhiều khó khăn gian khổ, hy sinh. Chúng ta đã đem xương máu và chất xám ra giúp bạn. Thuận lợi nhường cho bạn, khó khăn nguy hiểm giành lấy về mình, cùng với bạn xây dựng từ không đến có, với tinh thần quốc tế cao cả, với tình nghĩa anh em trong sáng thủy chung.

Ngày 7-1-1989, gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, Chủ tịch Heng Samrin  nói: “Tổ quốc và nhân dân Campuchia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”.

Trong lịch sử về mối quan hệ hữu nghị anh em giữa Việt Nam và Campuchia, ngày 7-1-1979, ngày mở đầu cho thắng lợi to lớn qua 10 năm, vừa giúp bạn vừa tự cứu mình, rõ ràng là một ngày đẹp nhất.

TRẦN TRỌNG TÂN


Lực lượng vũ trang Quân khu 7 từng có một mùa xuân năm 1979

Ngày đẹp nhất về tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia ảnh 1

Các chiến sĩ Trung đoàn Gia Định - TPHCM trên mặt trận biên giới 1-1979.

Trong lịch sử Việt Nam, mùa xuân không chỉ là biểu tượng của sự trẻ trung, tươi xanh, ước vọng; nó còn là thời điểm ghi dấu những chiến công chống ngoại xâm nhằm bảo giữ nền độc lập dân tộc.

Ví như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí chống quân xâm lược nhà Lương mùa xuân năm 542, chiến thắng của Lê Hoàn trước quân xâm lược nhà Tống mùa xuân năm 981, chiến thắng của Lý Thường Kiệt cũng với giặc Tống bên bờ sông Như Nguyệt mùa xuân năm 1077, chiến thắng của nhà Trần trước đế quốc Nguyên-Mông mùa xuân năm 1258, lễ dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh của Lê Lợi mùa xuân năm 1418, chiến thắng của anh em nhà Tây Sơn trước giặc Xiêm tại Rạch Gầm – Xoài Mút mùa xuân 1785 và trước giặc Thanh tại Thăng Long mùa xuân 1789.

Rồi Đồng Khởi xuân 1960, Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 và Đại thắng mùa xuân 1975...

Lại có một chiến thắng mùa xuân nữa, chiến thắng của quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có lực lượng vũ trang Quân khu 7, cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia trong sứ mạng giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi ách diệt chủng của tập đoàn Pol Pot mùa xuân 1979.

Còn nhớ, đó là những ngày mà nhân dân các nước trên bán đảo Đông Dương đang miệt mài khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại đất nước trong hòa bình sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn khốc.

Tại Campuchia, từ sau khi nắm chính quyền, tập đoàn Khmer Đỏ phản động do Pol Pot đứng đầu ráo riết triển khai thực hiện chính sách diệt chủng ở trong nước và chính sách đối đầu gây hận thù dân tộc với các nước láng giềng. Tháng 4-1977, chúng ngang nhiên phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, lực lượng vũ trang Quân khu 7 cùng các đơn vị vũ trang bạn và nhân dân địa phương đã anh dũng chiến đấu, từng bước giành lại thế chủ động chiến trường, phản công và tiến công, đẩy địch sang bên kia biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Và khi Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia (thành lập ngày 2-12-1978) chủ trương “Đoàn kết toàn dân, nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động gia đình trị Pol Pot – Ieng Sary” đồng thời kêu gọi “Nhân dân và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế ủng hộ và giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia”, thì từ mặt trận biên giới, lực lượng vũ trang Quân khu 7 hình thành các đơn vị quân tình nguyện cùng cách mạng Campuchia thực hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy ngay trong tháng 1-1979.

Lực lượng vũ trang Quân khu 7 tham gia cuộc tổng tiến công có 3 sư đoàn bộ binh (5, 302, 303), 1 trung đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn binh chủng, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật với tổng quân số 120.098 người; chưa kể 9 trung đoàn bộ binh của các tỉnh, thành phố (thành phố Hồ Chí Minh: 2 trung đoàn, Đồng Nai: 2 trung đoàn, Sông Bé: 2 trung đoàn, Tây Ninh: 2 trung đoàn, Long An: 1 trung đoàn) và 6 tiểu đoàn công binh địa phương.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1979 ở Campuchia có 3 chiến dịch nối tiếp nhau: giải phóng các tỉnh miền Đông Campuchia, đánh chiếm thị xã Kroche (Kratie); tiêu diệt các đơn vị chủ lực của địch; giải phóng Phnom Penh, đánh chiếm sân bay Pochentong, cảng Kongpong Som, khóa chặt biên giới. Ngay trong ngày đầu của cuộc tổng tiến công, các đơn vị tình nguyện Quân khu 7 đã đồng loạt vượt sang bên kia biên giới, phối hợp đánh chiếm giải phóng thị xã Kroche (Kratie), thực hiện nhiệm vụ nghi binh, thăm dò phản ứng và đánh lạc hướng chiến lược của địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của Bộ Quốc phòng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh vào chiều 7-1-1979.

Để bắt đầu từ ngày 8-1-1979, các đơn vị vũ trang Quân khu 7 lại tiếp tục tiến công. Sư đoàn bộ binh 5 vượt sông Mekong xuyên rừng đánh vu hồi từ Đông sang Tây, thẳng về Kongpong Thom, rồi theo đường 6 vào Siem Reap, đánh chiếm mục tiêu chiến lược Sisophon, giải phóng thị trấn Pailin. Sư đoàn 302 đánh địch dọc đường 24, đường 7, lên Tây Bắc Dambe, giải phóng Otdo mienchey, Thmo Puoc. Sư đoàn 303 tiến công dọc bờ Đông sông Mekong, rồi vượt sông diệt địch ở Kongpong Cham. Trung đoàn Gia Định thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tiến công giải phóng thị xã Tà Keo ngay trong đêm 27 Tết Kỷ Mùi.

Trên dọc đường hành quân, các đơn vị vũ trang Quân khu 7 đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia xây dựng 21 tiểu đoàn bộ binh, 100 đội vũ trang công tác, cứu đói cứu đau hàng vạn người dân vô tội đang bị chế độ quái thai Pol Pot đẩy đến tột cùng con đường sống.

Đã gần 1/3 thế kỷ trôi qua, thế giới đang chứng kiến một đất nước Chùa Tháp hoàn toàn khác trước, một đất nước với nền chính trị ổn định, nền kinh tế năng động đầy hoài bão, và nền văn hóa Angkor độc đáo, trường tồn.

Sự đổi khác ấy được bắt đầu từ một sự kiện lịch sử trọng đại: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1979, cuộc tổng tiến công mà kỷ niệm về nó chắc chắn chưa mờ phai trong ký ức mỗi cán bộ, chiến sĩ tình nguyện Quân khu 7; những cán bộ, chiến sĩ mà giờ đây, cả người đang sống và người đã ngã xuống trên dọc đường hành tiến, người trẻ nhất cũng đã có đến 50 mùa xuân trôi trên mái tóc của mình!

HỒ SƠN ĐÀI

Tin cùng chuyên mục