Sáng 30-1 (mùng 6 tết), tại quận Bình Tân, ghi nhận của PV Báo SGGP, từ 7 giờ 30, các cán bộ ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ đã có mặt giải quyết hồ sơ cho người dân. Theo văn phòng UBND quận, trong buổi sang đã nhận hồ sơ là 11, trả hồ sơ 10, hướng dẫn 14 hồ sơ. Chủ yếu là các thủ tục: sao y chứng thực, khai sinh, xác nhận tình trang hôn nhân... Ngoài ra, cũng trong buổi sáng, tổng số hồ sơ tiếp nhận của 10 phường của địa bàn quận Bình Tân là 136.
Hơn 7 giờ 30, tại Công ty Điện lực Bình Chánh đã có 3 nhân viên chăm sóc khách hàng ngồi tại bàn làm việc. Tại quầy thu tiền điện của ngân hàng chỉ lác đác người đến đóng tiền. Tuy ít khách hàng, những nhân viên chăm sóc khách hàng vẫn chăm chú vào màn hình máy tính (được quay ra phía khách hàng) làm việc. Thực tế, sau năm 2019, ngành điện thực hiện các loại dịch vụ trực tuyến từ thu tiền điện qua internet banking, cửa hàng tiện ích; tư vấn, báo hỏng qua tổng đài… Từ đó, khách hàng không cần phải đến công ty điện lực.
Sau khi nhận thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TPHCM, nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ chuyển đến từng bộ phận để giải quyết. Tính đến 9 giờ, Công ty Điện lực Bình Chánh đã có 33 trường hợp gọi điện đến tổng đài của Tổng Công ty Điện lực TPHCM như báo điện kế đứt niêm chì, hộp bảo vệ điện kế bị bể, chuyển hợp đồng, gắn mới điện kế, lắp điện kế 2 chiều sử dụng điện mặt trời… Sau khi các bộ phận giải quyết xong, nhân viên chăm sóc khách hàng tiếp tục kiểm tra lần nữa từ khách hàng đã giải quyết xong chưa.
Tương tự, tại Công ty Điện lực Bình Phú, phóng viên ghi nhận khoảng 8 giờ chỉ có một số người đến đóng tiền điện, tư vấn dịch vụ. Phần lớn, những khách hàng đến công ty là người lớn tuổi, không rành công nghệ để sử dụng trực tuyến. Tại quầy chăm sóc khách hàng, ông Nguyễn Hoài Đức (ngụ quận Bình Tân) đang được nhân viên hướng dẫn thủ tục đăng ký thêm định mức để cho thuê dịch vụ nhà trọ cho công nhân.