Môn Ngữ văn: Điểm 7 sẽ phổ biến
Đất nước - tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được chọn làm ngữ liệu cho đề thi Văn tốt nghiệp THPT. Câu nghị luận văn học với 5 điểm yêu cầu thí sinh phân tích đoạn thơ, nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả. Câu học hiểu (3 điểm) từ đọc trích “Dòng sông và những thế hệ của nước” của tác giả Nguyễn Quang Thiều. Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính.
Thí sinh Phương Anh, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội bày tỏ: “Đề thi không có bất ngờ, Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là tác phẩm trọng tâm của chương trình, học sinh được học kỹ, vì thế không có gì khó khăn với thí sinh. Câu nghị luận xã hội phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay, nên em đã viết rất tâm huyết”.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM) cho biết, cấu trúc đề thi tương đương đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố. Câu hỏi nghị luận xã hội đề cập vấn đề khá gần gũi lứa tuổi học sinh THPT, tạo điều kiện cho các em thể hiện suy nghĩ cá nhân từ chính trải nghiệm của bản thân và rút ra bài học về cuộc sống. Đề thi yêu cầu học sinh nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và tư duy của nhà thơ thể hiện qua đoạn trích của tác phẩm, đòi hỏi thí sinh có khả năng suy luận, nắm chắc nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên này dự đoán năm nay điểm 7 sẽ phổ biến, điểm giỏi từ 8 trở lên xuất hiện ở những bài làm thể hiện khả năng cảm thụ văn chương tốt.
Ở góc độ khác, theo giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM Nguyễn Phước Bảo Khôi, đề thi Ngữ văn năm nay có tính an toàn, yêu cầu phân hóa tập trung ở câu hỏi nhỏ 3 và 4 của phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội. Nhìn chung, đề thi có sự liên kết về trục chủ đề giữa 2 phần đọc hiểu và làm văn, thí sinh có khả năng tư duy tốt sẽ “bắt” được mạch cảm xúc khi làm bài.
Ở môn Ngữ văn, cả nước có 7 thí sinh vi phạm quy chế nên bị đình chỉ thi (3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động); không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Với môn Toán, cả nước có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi (1 khiển trách, 2 đình chỉ), đều giảm so với kỳ thi 2023.
Hôm nay, 28-6, thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội vào buổi sáng, Ngoại ngữ vào buổi chiều, để kết thúc kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Môn Toán: Có tính phân hóa cao
Đề thi Toán có 24 mã đề, mỗi mã gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm. Nhận xét về đề thi, nhiều thí sinh cho rằng đề có tính phân hóa tốt, không có những câu đánh đố, có nhiều câu đòi hỏi tính vận dụng cao. 10 câu sau khó, dành cho học sinh học tốt môn Toán. Nhiều thí sinh cho biết đạt khoảng 8 điểm môn Toán.
Theo thí sinh Ngô Quang Anh (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội), đề thi năm nay học sinh làm được khoảng 8 điểm ở những câu không quá khó, còn lại dành cho học sinh khá toán. “Đề Toán bám sát đề thi minh họa, không đánh đố thí sinh, từ câu 41 trở đi là khó, đòi hỏi phải có học lực khá để đạt điểm 9, trên 9”, thí sinh Quang Anh nhận xét.
Tại điểm thi Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM), Đoàn Kim Ngọc, học sinh lớp 12T3, Trường THPT Thủ Thiêm, cho biết, em làm nhanh 38 câu hỏi đầu của đề thi nhưng gặp khó với 12 câu cuối. Năm nay, các câu hỏi khó tập trung ở phần đại số, ít câu hỏi về hình học. Tương tự, Vũ Thanh Nhàn, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Giồng Ông Tố, cho rằng, các câu hỏi khó ở phần đại số phải sử dụng nhiều công thức để tính toán, đề thi cho nhiều dữ liệu “gây rối” và số liệu tính toán lẻ khá nhiều. Đặc biệt, đề thi có câu hỏi liên quan kiến thức học kỳ 2 lớp 11 về đạo hàm khiến nhiều bạn lúng túng do không nhớ kiến thức. Ngoài ra, nhiều thí sinh cũng cho hay, các câu hỏi càng về sau càng có độ khó tăng dần nên các em chọn giải pháp “đánh lụi” 5-7 câu cuối.
Thầy Vũ Nam Trường, Tổ trưởng chuyên môn Toán, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Thủ Đức, TPHCM), nhận định, 38 câu hỏi đầu của đề thi có cấu trúc tương tự các năm trước, đòi hỏi học sinh phải cẩn thận, nắm vững kiến thức cơ bản. Việc đề thi xuất hiện kiến thức lớp 11 không quá bất ngờ với thí sinh do các năm trước đã có câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11. Riêng với 12 câu hỏi cuối, cấu trúc tương đối mới lạ, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ lý thuyết kết hợp với tính toán cẩn thận. Đặc biệt, đề thi có nhiều câu hỏi không nghiêng về tính toán mà yêu cầu thí sinh giải bằng phương pháp tự luận chi tiết. Giáo viên này dự đoán điểm thi môn Toán năm nay không cao hơn năm ngoái.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiểm tra điểm thi tại tỉnh Hà Nam
Sáng 27-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiểm tra tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên, điểm thi Trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ, trò chuyện, động viên và dặn dò thí sinh giữ gìn sức khỏe, tâm lý tự tin để làm tốt nhất bài thi, tuân thủ quy chế để tránh sự cố đáng tiếc. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu rõ, ngoài yếu tố đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì các em dự thi năm nay còn là lứa học sinh chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 và đã có những điều chỉnh trong chương trình học. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lưu ý các sở GD-ĐT trong việc tích cực hỗ trợ cho thí sinh về ôn tập. Quá trình chuẩn bị đề thi cũng lưu ý phù hợp với nội dung đã được tinh giản trong chương trình dạy và học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, yếu tố quan trọng vẫn là làm sao để thí sinh phát huy được cao nhất năng lực, kỹ năng, kiến thức và thể hiện tốt nhất qua bài thi của mình. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao các tỉnh vùng sâu, vùng xa, những địa phương chịu tác động của thời tiết đã chủ động trong việc hỗ trợ thí sinh di chuyển về điểm thi sớm hơn.
Tôn trọng cá tính và tư duy độc lập
Với đề Ngữ văn năm nay, nhiều giáo viên, học sinh đều thích câu nghị luận xã hội ít nhiều tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”. Vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao, nhưng thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong cuộc sống hàng ngày. Nên dù không mới nhưng đây là câu hỏi khá thiết thực, tạo hứng thú với các em học sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình.
Còn về mô hình câu nghị luận văn học, nhiều giáo viên môn Ngữ Văn nhận xét rằng hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận. Không bất ngờ, nếu không nói về sự quá đỗi quen thuộc cũng làm giảm thiểu hứng thú. Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), hai phần đọc hiểu và làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kỳ thi năm 2017 đến nay, không có những bất ngờ, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu với môn Ngữ văn.
Nói một cách công bằng, đề thi khép lại môn Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 bằng tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng mang ý nghĩa lớn đối với các em học sinh. Qua bài thi, học sinh thêm một lần cảm nhận sâu sắc với tình yêu quê hương, đất nước, ý thức được trách nhiệm của mình. Tương tự, nghị luận xã hội về tôn trọng cá tính cũng sẽ khiến thí sinh thích thú, bởi tôn trọng cá tính, tôn trọng sự khác biệt luôn là điều mà các em học sinh đề cao.
Tuy vậy, chúng ta vẫn kỳ vọng, từ năm 2025, kỳ thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ mới mẻ hơn, đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không theo lối mòn.
PHAN THẢO