Ngày đầu ngân hàng bán vàng: Người dân xếp hàng chờ mua, giá vàng SJC bán ra thấp hơn thị trường

Chiều 3-6, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) chính thức bán vàng miếng SJC theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Trước đó, vào buổi sáng, theo niêm yết của 4 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và Công ty SJC, giá vàng miếng SJC sẽ được bán ra với mức 79,98 triệu đồng/lượng.

Rất đông người đến giao dịch vàng tại Trung tâm Vàng bạc đá quý SJC Minh Khai (quận 3, TPHCM) chiều 3-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Rất đông người đến giao dịch vàng tại Trung tâm Vàng bạc đá quý SJC Minh Khai (quận 3, TPHCM) chiều 3-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ghi nhận tại Hà Nội, giá vàng tại nhiều điểm bán vàng miếng của các NHTMNN ở mức 80 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán vàng miếng SJC niêm yết tại các đơn vị kinh doanh vàng khác như: Công ty SJC, Công ty Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji vào chiều cùng ngày dao động từ 80,75-81 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC bán ra tại các NHTMNN đang thấp so với các công ty vàng bạc đá quý từ 770.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng.

Tại một số điểm giao dịch của các NHTMNN, trước khoảng 30 phút mở cửa giao dịch (bắt đầu bán từ 14 giờ 30 phút), người dân đã xếp hàng khá đông để chờ mua vàng. Đơn cử, tại điểm bán vàng miếng của VietinBank (81 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bất chấp thời tiết nắng nóng, người dân xếp từng hàng dài để chờ được mua vàng. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Tuyến (quê Hải Dương), cho biết: “Tôi bắt xe từ Hải Dương lên Hà Nội từ trưa nay, chờ để được mua vàng. Tôi không mua để tích trữ hay buôn bán gì mà mua vàng để trả nợ. Mấy năm trước, tôi kinh doanh thiếu vốn nên có vay mấy cây vàng, nhưng thời gian qua giá vàng tăng cao quá. Hiện giờ, giá vàng giảm xuống bớt, tôi mới tranh thủ đi mua”. Trong khi đó, nhân viên cửa hàng liên tục nhắc: “Mọi người xếp hàng, lần lượt chỉ 3 người vào một lượt để mua vàng”.

Tương tự, tại điểm bán vàng miếng SJC của Vietcombank (72 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người dân cũng xếp hàng để chờ được đến lượt mua vàng. Tuy nhiên, khác các điểm bán vàng miếng SJC của các NHTMNN, “phố vàng” Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại khá vắng lặng, ít khách đến giao dịch. Thậm chí, tại điểm giao dịch vàng của Công ty SJC (18 Trần Nhân Tông), dường như không có khách đến giao dịch. Nhân viên tại đây cho biết, Công ty SJC đã hết số vàng miếng bán ra.

Tại TPHCM, chiều 3-6, vàng miếng SJC của Công ty SJC giao dịch ở mức 77,98 triệu đồng/lượng mua vào và 79,98 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với sáng cùng ngày). Ghi nhận tại các chi nhánh bán vàng miếng SJC của 4 NHTMNN tại TPHCM vào chiều cùng ngày cho thấy, khách hàng đến xếp hàng mua vàng rất đông. Tất cả khách đến mua vàng phải cung cấp căn cước công dân và được xuất hóa đơn điện tử sau khi mua.

Vào khoảng 14 giờ 45 phút, Công ty SJC cho biết, đã bán hơn 2.000 lượng vàng mua từ NHNN nên hạn chế mỗi khách hàng chỉ mua được 3 lượng vàng SJC. Nếu mua trên 3 lượng thì phải đăng ký số lượng mua và đặt cọc 50% để nhận vàng vào ngày hôm sau. Tương tự, các chi nhánh của 4 NHTMNN tại TPHCM cũng đã bán hết vàng miếng trong vòng hơn 1 giờ kể từ khi mở cửa phiên giao dịch vào 14 giờ 30. Tuy nhiên, các ngân hàng này cho khách đăng ký số lượng để đến mua vào ngày hôm sau.

Lãnh đạo BIDV chi nhánh TPHCM cho biết, ngân hàng này được phân bổ 220 lượng vàng trong ngày 3-6. Khách hàng đến mua nhiều nhất lên đến 30 lượng vàng và ít nhất là 1 lượng vàng nên số vàng bán hết rất nhanh. Đại diện VietinBank chi nhánh 1 trên đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM) cũng cho biết, đã bán hết 150 lượng vàng miếng mà chi nhánh này được phân bổ.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chiều 3-6, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 2.326 USD/ounce, quy đổi tương đương 72,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới được rút ngắn lại về mức gần 7,9 triệu đồng/lượng.

VN-Index tăng gần 19 điểm

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 3-6 tăng mạnh vì dòng tiền lan tỏa khắp thị trường. Các nhóm cổ phiếu chính như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu trong các nhóm này tăng kịch trần như STB, IJC, EVG… Ngoài ra, một số cổ phiếu điện, sản xuất như POW, DPM cũng tăng kịch biên, kéo VN-Index vượt 1.280 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,28 điểm (1,45%) lên 1.280 điểm với 367 mã tăng, 96 mã giảm và 44 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 1,63 điểm (0,67%) lên 244,72 điểm với 128 mã tăng, 68 mã giảm và 43 mã đứng giá.

Tin cùng chuyên mục