Du lịch tránh nóng lên ngôi
Chiều 27-4, lãnh đạo Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (Tây Ninh) cho biết, lượng khách đến núi Bà Đen trong ngày đầu nghỉ lễ chỉ đạt hơn 100.000 lượt khách, thấp hơn 7% so với cùng kỳ.
Tình hình cũng tương tự tại TP Vũng Tàu, theo thống kê của Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu cho biết, trong ngày 27-4 các khu du lịch đón và phục vụ khoảng 34.000 lượt khách, giảm 2.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo quan sát của phóng viên SGGP tại khu vực Bãi Trước và Bãi Sau, khách tắm biển chưa đông, chỉ khoảng vài ngàn người. Chủ một số khách sạn cho biết, lượng phòng nghỉ tối 27-4 còn trống khá nhiều.
Trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, rất đông du khách đã đổ về Khu du lịch sinh thái Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Đa số du khách đến đây từ các tỉnh miền Trung, TPHCM, Hà Nội. Dự kiến dịp lễ này, Măng Đen sẽ đón khoảng trên 50.000 người.
Tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), trong ngày 27-4, khoảng 1.200 phòng nghỉ của hơn 100 khách sạn, nhà nghỉ và homestay trên huyện đảo đều đã kín chỗ. Đại diện 5 hãng tàu cao tốc vận chuyển hành khách từ TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) ra đảo Phú Quý và ngược lại thông tin, hiện toàn bộ lượng vé tàu ra và vào huyện đảo trong 5 ngày nghỉ lễ đã “cháy vé”.
Tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đến cuối ngày 27-4 lượng khách các nơi bắt đầu đổ về. Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, lượng khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng tập trung chủ yếu vào các ngày 28-4 đến 1-5. Dịp này địa phương phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc quy mô lớn phục vụ du khách.
Trong ngày đầu nghỉ lễ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đón khoảng 5.000 lượt du khách du lịch trong và ngoài nước về làm lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Dự kiến, trong suốt dịp nghỉ lễ này, khu di tích sẽ đón tiếp khoảng hơn 23.000 lượt du khách.
Cùng ngày, ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 27-4 đến 1-5, công suất phòng khách sạn tại Thừa Thiên Huế ước đạt 82%; trong đó, cao điểm ngày 28-4, công suất đạt trên 90%. Dịp này, Thừa Thiên Huế tổ chức Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024, chương trình Thuận An Biển gọi 2024... hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách trải nghiệm hấp dẫn, thú vị.
Bến xe, sân bay không nghẽn
Ngày 27-4, tại các bến xe, nhà ga ở TP Đà Nẵng, lượng hành khách đi lại tăng hơn 3 lần so với ngày thường. Tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các quầy check-in khu vực ga đi tấp nập hành khách đến làm thủ tục. Tại ga Huế, ngoài các đoàn tàu chạy cố định, ngành đường sắt tăng cường thêm đôi tàu SE11 và SE12 đi Hà Nội và TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, dự kiến Đà Nẵng sẽ đón khoảng 340.000 lượt khách, tăng 5% so với kỳ nghỉ năm 2023, trong đó khách quốc tế được kỳ vọng tăng gần 4%.
Cùng ngày, tàu SE21/SE22 tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng chất lượng cao được đưa vào phục vụ hành khách trong dịp lễ 30-4 và 1-5, kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch trong mùa hè 2024 sắp tới. Toàn bộ toa nằm đều là khoang 2 giường hoặc 4 giường có đầy đủ tiện ích về wifi, hệ thống điều hòa...
Ghi nhận tại TPHCM sáng 27-4, Bến xe Miền Tây phục vụ hơn 61.000 hành khách với 2.100 xe xuất bến; Bến xe Miền Đông phục vụ gần 8.000 khách tương đương 330 chuyến; Bến xe An Sương đón khoảng 3.870 khách, tăng 108% so với cùng kỳ; Bến xe Ngã Tư Ga chủ yếu phục vụ các tuyến có cự ly dài nên lượng khách ghé bến trong ngày khoảng 1.250 hành khách.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM, hành khách đi lại tấp nập nhưng khá thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn ứ. Tình trạng giao thông tại các tuyến đường dẫn vào sân bay không tắc nghẽn, các phương tiện di chuyển dễ dàng. Tuy nhiên, tại khu vực cửa ngõ phía Đông TPHCM (hướng TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai) xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Trên quốc lộ 1, dòng xe kéo dài khoảng 10km nối đuôi nhau nhích từng chút một. Các nhánh đường dẫn vào cao tốc Dầu Giây hướng về Đồng Nai cũng đều đông đúc, do lượng người dân về quê, đi du lịch tăng cao đột biến chủ yếu di chuyển bằng xe máy và ô tô cá nhân.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho biết, trong ngày 27-4, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, đều trên đường bộ, làm chết 24 người, bị thương 51 người. So với ngày nghỉ lễ đầu tiên của năm 2023, giảm 14 vụ, giảm 12 người chết, giảm 1 người bị thương.
Trong ngày 27-4, trên 4 tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Nha Trang - Cam Lâm đi qua các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, lượng phương tiện từ TPHCM và các tỉnh thành phía Nam lưu thông khá đông, nhưng việc di chuyển thuận lợi, thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Trên tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tại nút giao Ba Bàu (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), nhiều phương tiện chở theo khách du lịch đổ về TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), các phương tiện khác tiếp tục di chuyển trên đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nút giao Lương Sơn - quốc lộ 28B để đi lên TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Trung tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng 8 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, để đảm bảo an toàn cho con người cùng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc, đơn vị cắt cử lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ; sẵn sàng tổ chức phân luồng từ xa, điều tiết các phương tiện lưu thông theo hướng khác nếu có các sự cố ùn tắc xảy ra.
Hà Nội, TPHCM nhiều hoạt động trong dịp lễ
Trong đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Tuy nhiên, do đang ở trong những ngày nắng nóng nên lượng khách tại các điểm vui chơi giải trí ngoài trời không nhiều. Trong khi du khách quốc tế vẫn “đội nắng” dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội thì du khách trong nước lại lựa chọn những điểm đến ít nắng, có nhiều cây xanh...
Từ ngày 28 đến 30-4, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội tổ chức nhiều đêm biểu diễn với chủ đề ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi quê hương, mừng đất nước thống nhất.
* Ghi nhận ngày 27-4, số lượng người dân, du khách đổ về một số điểm vui chơi, mua sắm trên địa bàn TPHCM khá đông. Theo Sở Du lịch, Sở Công thương TPHCM, lượng khách có khả năng tăng mạnh trong vài ngày tới.
Trong ngày, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia trụ sở HĐND và UBND TPHCM đã đón khoảng 1.049 lượt người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu thông tin. Dịp này, các tour đến với huyện đảo Cần Giờ, Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi, khám phá TPHCM về đêm, trải nghiệm buýt sông 2 tầng Saigon WaterGo… được người dân, du khách quan tâm nhiều.
Một số đường tour du lịch đến các tỉnh thành hoặc “xuất ngoại” cũng nhộn nhịp khách. Lữ hành Saigontourist thông tin, năm nay lần đầu tiên đơn vị giới thiệu chùm City tour tại 18 tỉnh, thành phố có chi nhánh trên cả nước như Cần Thơ, Bến Tre, Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng...
Thống kê nhanh từ một số siêu thị, các khu vực ăn uống, bán đồ ăn sẵn mang đi tại TPHCM luôn tấp nập khách. “Lượng khách tăng từ 50%-150% so với ngày bình thường, nhưng sức mua chỉ tăng từ 5%-20%.
Ngày 27-4, người dân làm việc, sinh sống tại TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ đổ về miền Tây nghỉ lễ tăng đột biến khiến giao thông trên cầu và hai bên cầu Rạch Miễu (nối Tiền Giang và Bến Tre) bị kẹt xe nghiêm trọng. Ghi nhận của PV Báo SGGP, từ sáng sớm 27-4, hàng trăm ô tô, xe khách, xe tải, container hướng TPHCM đi miền Tây nối đuôi nhau xếp hàng dài nhiều kilômét, di chuyển rất chậm để qua qua cầu Rạch Miễu.
Tại phà Đình Khao nằm trên quốc lộ 57 (nối 2 tỉnh Vĩnh Long - Bến Tre), trong ngày đầu đợt nghỉ lễ, lượng phương tiện (chủ yếu là mô tô) tăng cao, khiến giao thông hai bên phà kẹt xe kéo dài.
Trong khi đó, tại một số điểm nóng kẹt xe trước đây như ngã ba An Thái Trung, nút giao quốc lộ 1 - quốc lộ 30, điểm cuối đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)…, trong đợt lễ này không xảy ra kẹt xe, do có cầu Mỹ Thuận 2 “chia lửa”, giảm tải áp lực cho quốc lộ 1.