Việc cần nâng cao vai trò của NĐT tổ chức đang đặt ra nhiều thách thức cho NĐT cá nhân trong cuộc chơi trên TTCK.
Thua vì kinh nghiệm
Trong suốt 8 năm phát triển TTCK, NĐT cá nhân đóng một vai trò quan trọng, họ là người có mặt trong các cơn sốt nóng cũng như những cơn sốt lạnh. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm và hiểu biết của một bộ phận lớn NĐT đã khiến họ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong cuộc chơi với các tổ chức đầu tư. Những mất mát, đắng cay mà thị trường dạy cho họ đã khiến không ít NĐT cá nhân trưởng thành hơn và… sợ hãi hơn.
Cảnh NĐT xếp hàng đăng ký tham gia đấu giá cổ phần khi TTCK bùng nổ vào cuối năm 2006 là một hình ảnh tiếp thị rất tốt về TTCK Việt Nam, đã góp phần thu hút sự chú ý của một bộ phận người có tiền nhưng chưa biết đầu tư vào đâu.
Những đồng tiền thay vì gửi vào tiết kiệm đã chuyển sang TTCK. Tâm lý “bầy đàn” giúp NĐT quảng bá mạnh mẽ cho TTCK Việt Nam nhưng cũng hại họ khi thị trường nguội lạnh sau thời điểm tháng 3-2007 trước những đòn liên tiếp của các tổ chức đầu tư, nhất là NĐT nước ngoài.
Liên tiếp các bản báo cáo của các tổ chức danh tiếng trên thế giới được đưa ra với những cảnh báo về một thị trường quá nóng, cùng sự điều hành một cách hành chính và bất ngờ (như Chỉ thị 03) đã làm giảm nhiệt cho những cái đầu nóng, giúp nhiều NĐT hiểu rằng TTCK không phải là một “canh bạc”. Những thiệt hại nặng nề từ các “phi vụ” đầu tư CK đã giúp một bộ phận NĐT tỉnh táo, kinh nghiệm và chuyên nghiệp hơn.
Thua vì cơ chế và sức ép
Một trong những nguyên nhân quan trọng được UBCKNN lý giải về sự lình xình, sau đó sụt giảm mạnh của VN Index thời gian gần đây là nguồn cung CP ồ ạt từ các DN niêm yết. Đúng là việc IPO các DN nhà nước lớn, sự lạm dụng của nhiều DN trong việc lấy TTCK để huy động vốn, cổ đông nội bộ đua nhau bán CP bất kể quyền lợi của NĐT… thực sự đã giáng những đòn mạnh mẽ vào tâm lý và túi tiền của NĐT trong bối cảnh Chỉ thị 03 đã siết chặt nguồn vốn vay.
Điều đó lý giải tại sao thị trường liên tục sụt giảm gần đây, dù nhiều CP trên sàn đã xuống mức hấp dẫn nhưng không được mua vào vì tâm lý tháo chạy và trở thành miếng mồi ngon cho nhiều tổ chức.
Một chuyên gia CK lý giải tại sao nhiều tổ chức nước ngoài đều hô hào đã đến lúc mua vào nhưng thực tế lại không phải vậy? Là vì họ đã “bắt bài” được tâm lý chung của NĐT nhỏ nên họ tiếp tục “dìm giá” để mua giá tốt hơn, bởi “nếu không mua thì cũng khó có ai mua”.
Thực tế, việc phát hành CP một cách vô tội vạ, vừa chui vừa công khai trong thời gian vừa qua cũng cho thấy khâu kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý đối với việc phát hành và sử dụng vốn còn hạn chế. Tất nhiên, theo quy định thì khi phát hành DN chỉ trình phương án đã được ĐHCĐ thông qua, thế nhưng trong bối cảnh trình độ, nhận thức của nhiều NĐT còn hạn chế thì vẫn rất cần có sự giám sát từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, với DN thì chỉ cần nguồn vốn thu về từ việc phát hành đưa gửi tiết kiệm cũng có thể trả cổ tức cho cổ đông trong vài năm.
Cần kiểm soát mảng tự doanh và NĐT tổ chức
Không thể phủ nhận vai trò của NĐT tổ chức, nhất là những tổ chức nước ngoài đối với TTCK Việt Nam. Sức ảnh hưởng của họ đối với TTCK quá lớn và mối lợi của họ thu về cũng tương đương với sức nặng, cũng như uy tín của họ trong cuộc chơi không cân sức này. NĐT nhỏ chủ yếu là thua còn đối với các tổ chức gần như chỉ có lãi. Điều này chứng minh hầu như tất cả các CTCK đều có lợi nhuận trong mảng tự doanh.
Theo nhiều NĐT, cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ mảng tự doanh của CTCK, bởi nếu không, sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh không bình đẳng giữa hai bên. Với lợi thế về thông tin, các CTCK hoàn toàn ở thế áp đảo đối với NĐT nhỏ vừa thiếu kinh nghiệm vừa ít thông tin. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát chặt việc lưu ký CK của các CTCK, tránh việc lợi dụng để thu lợi.
Đối với NĐT ngoại, sức nặng uy tín, nguồn vốn dồi dào cũng khiến họ luôn chủ động trong “cuộc chơi”. Những bản báo cáo “nội bộ” công khai (trên các phương tiện thông tin đại chúng) đã có những tác động mạnh mẽ đến tâm lý NĐT và kết cục là bất lợi cho NĐT nhỏ.
Còn nhớ, trong một bản báo cáo của Ngân hàng Hồng Công - Thượng Hải (HSBC) giữa năm 2007, tổ chức này chỉ đề cập đến chỉ số P/E của hai sàn TPHCM và Hà Nội (theo năm 2006) và cho rằng quá cao (lần lượt là 33,6 lần và 46,6 lần tại thời điểm khi VN Index đạt 1.040 điểm) khiến thị trường sau đó liên tục trồi sụt.
Trong khi đó, HSBC Insurance lại trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt sau khi mua CP có P/E đến hơn 100 lần. Tất nhiên, mua mỗi CP họ đều có mục tiêu riêng nhưng có thể cho thấy tổ chức này đâu chỉ dựa riêng vào chỉ số P/E để mua CP.
Theo các chuyên gia, phát triển NĐT tổ chức là việc làm cần thiết để TTCK phát triển bền vững hơn, nhưng kèm theo đó là phải có chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức đầu tư, cũng như công khai, minh bạch thông tin trên thị trường để củng cố niềm tin cho NĐT cá nhân.
Hằng Thanh