Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, thông qua điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp của người dân TPHCM cho thấy, có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Các bệnh lý tâm thần mà người dân thường gặp trong những năm gần đây gồm: Tâm thần phân liệt chiếm 1%, động kinh chiếm 0,5%, trầm cảm chiếm 6%, rối loạn lo âu chiếm 7%, nghiện/lạm dụng rượu chiếm 5%, đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ. Chính vì thế, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Tâm thần ngày gia tăng trong những năm qua với trung bình tăng từ 10-15% mỗi năm.
Số bệnh nhân nhập viện trung bình hàng năm là 3.300 trường hợp với khoảng 60 ngày nằm viện/người, số lượt cấp cứu trung bình 1.200 lượt/năm, trong đó tỷ lệ nhập viện chiếm 70% tổng số khám cấp cứu. Ngoài ra, khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định khoảng 230.000 lượt khám/năm với bình quân 800 lượt khám/ngày.
“Nếu như cách đây 15 năm, chỉ có vài ba bác sĩ nhưng chúng tôi vẫn rất nhàn rỗi thì hiện nay đã gần 20 phòng khám nhưng vẫn quá tải. Với 800 lượt khám, trung bình mỗi bàn khám phải khám đến 60 bệnh nhân/ngày”, BS. Trịnh Tất Thắng cho hay.
Mặc dù lượng bệnh tăng nhưng hiện nay BV Tâm thần chỉ có 500 giường bệnh nội trú và vỏn vẹn 61 bác sĩ. Xét trong lĩnh vực điều trị tâm thần, tính bình quân TPHCM mới chỉ có 0,07 giường bệnh /1.000 dân, trong khi bình quân của cả nước là 0,2 giường bệnh/1.000 dân và thế giới từ 0,5-1,5 giường bệnh/1.000 dân. Như vậy, TPHCM cần thêm 1.500 giường bệnh nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Mặt khác, hiện 3 cơ sở của BV Tâm thần đều đã trở nên quá tải, chật hẹp và xuống cấp trầm trọng.