Chuyện thầy cô ở xứ Đài đôi khi khiến mình xúc động rơi nước mắt. Khi các con bắt đầu vào mẫu giáo, rồi tiểu học, tôi càng ngấm hơn văn hóa quê chồng, vẫn được xem là khá tương đồng với Việt Nam. Cho đến hết tiểu học, môn Đạo đức mới là quan trọng nhất và được thầy cô giáo nhấn mạnh trong các buổi họp cha mẹ học sinh: Phải dạy thành con người có ý thức tốt trước đã, nhờ thế văn minh xã hội mới phát triển đồng đều và bền vững.
Con trai tôi đang học lớp 2, thời khóa biểu chỉ Toán, Văn và thêm môn Tổng hợp với nội dung đơn giản, không dồn ép khối lượng bài vở. Nhưng phải vào lớp từ 7 giờ 30 sáng, dành nửa tiếng đầu để học cách phân loại rác, giặt giẻ lau bảng, lau bảng, sắp xếp ngăn nắp tủ đựng đồ riêng. 8 giờ mới bắt đầu vào bàn ngồi học.
Con gái tôi bị hội chứng thiểu năng trí tuệ. Điều mừng là trường làng cũng có những lớp dành cho trẻ thiểu năng. Lớp của con gái tôi chỉ bốn cháu, mới bổ sung hai cháu rất nặng - nằm đâu ăn đó. Nhà trường có giáo viên được đào tạo kiến thức chuyên để dạy lớp này. Thường phụ huynh của những bé như vậy không đòi hỏi phải học kiến thức, chỉ mong con biết tự chăm sóc bản thân. Hiện giờ con đã lên lớp 5, viết tên của mình vẫn bị ngược, nhưng làm toán khá tốt. Các con tôi không phải đóng học phí, chỉ phải trả tiền ăn trưa hàng tháng. Con gái tôi vẫn nhận trợ cấp đặc biệt của chính quyền, khoảng 4.800 Đài tệ mỗi tháng (tương đương 3,5 triệu đồng), được giảm một nửa chi phí khám chữa bệnh.
Vợ chồng tôi rất cảm động chứng kiến hàng ngày con gái đến trường, nhận biết bao quan tâm chăm sóc đặc biệt của thầy cô giáo. Đến Ngày cảm ơn thầy cô, chúng tôi mang mấy giỏ trái cây đến tặng. Các thầy cô phản đối gay gắt: “Chúng tôi đã ăn lương của dân rồi”. Chồng tôi phải nói cứng: “Các thầy cô vẫn thường xuyên qua nhà giúp chúng tôi chăm sóc, dạy dỗ thêm cho cháu, như vậy chúng ta còn là bạn bè nữa. Bạn bè không tặng nhau được chút trái cây hay sao?”. Phải nói thế thầy cô mới chịu nhận cho. Còn con trai tôi, học lớp thường, cùng bạn bè tự làm những tấm thiệp chúc mừng thầy cô theo truyền thống chứ không phải chuẩn bị thêm thứ gì khác.
Tôi thấy làm nghề giáo bên này rất vất vả, và quá nhạy cảm. Đài báo hay đưa các vụ kiện cáo, chỉ hơi quá tay trong việc nghiêm khắc, phạt học sinh là cha mẹ học trò kiện ngay. Ở Đài Loan hiếm khi giáo viên địa phương được phân công làm việc ngay nơi đang sinh sống. Giáo viên trường làng chủ yếu từ nơi khác chuyển đến, họ phải mang cả gia đình theo.
Vì thế, mối quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh và với địa phương càng gắn bó. Như con trai tôi, học toán tốt nhưng phải cái nghịch ngợm quá. Giáo viên thường xuyên qua nhà giúp chúng tôi uốn nắn thêm cho con và có những lời khuyên hữu ích. Đầu tháng vừa rồi, nhà tôi chẳng may bị chập điện, cháy hết đồ đạc trên tầng ba. Tôi bất ngờ khi giáo viên của con đến tận nhà thăm hỏi, còn đưa phong bao đỏ có ý muốn giúp chúng tôi mua sắm lại đồ đạc. Vợ chồng tôi cảm ơn tấm lòng của thầy cô chứ dứt khoát không dám nhận bao đỏ của người đang dạy dỗ con mình.