Cách đây 90 năm, ngày 9-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc có 2 lần đến Thư viện Thánh Giơnvievơ (Sainte Geneviève) ở Paris.
Ngày 9-12-1927, nhận sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong ngày khai mạc Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc họp tại Bơrucxen (thủ đô Vương quốc Bỉ). Cũng tại hội nghị này, nhà cách mạng Việt Nam đã gặp một số nhân vật như: Môlitan Nêru (thân sinh Thủ tướng Ấn Độ sau này), Xucacnô (sau trở thành Tổng thống Indonesia), Tống Khánh Linh (vợ Tôn Trung Sơn), Katayama Xen (chính khách cánh tả Nhật)...
Ngày 9-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến giam ở Liễu Châu và làm bài thơ chữ Hán “Đáo Liễu Châu 9-12” (Đến Liễu Châu ngày 9-12) được Nam Trân dịch: “Muôn nghìn cay đắng đâu vô hạn/ Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu/ Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng/ Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu”.
Ngày 9-12-1958, tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa I, thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp, Bác “hứa với Quốc hội sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội đã giao phó cho: dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, Tổ quốc ta”.
Ngày 9-12-1959, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về việc soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác đã phát biểu: “Dự luật hôn nhân gọi nôm na là dự luật lấy vợ lấy chồng, nhằm xây dựng hạnh phúc chung, nhưng trước hết là nhằm giải phóng chị em phụ nữ, cho nên khi giải thích, tuyên truyền, chị em phụ nữ phải ra sức hoạt động nhiều để tinh thần luật được thấm nhuần đến mọi tầng lớp trong xã hội, đến từng người, từng địa phương...”.
Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Tiêu chuẩn của người đảng viên” trong đó Bác viết: “Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều... Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang...”.
Ngày 9-12-1961, Bác về thăm Nghệ An, tại quê nhà, Bác căn dặn: “Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh”.
Tại Nhà máy Cơ khí Vinh, Bác nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy... Công nông liên minh chứ không phải nông công liên minh”.
Còn tại Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Bác nói: “...Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”.
Cùng ngày, gặp mặt với cán bộ, đảng viên lâu năm, Bác căn dặn: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ... Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa... Nếu thế hệ già không hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới tốt, người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”.
D.T.Q và nhóm cộng sự