Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, không riêng TPHCM mà nhiều khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa rất to trong ngày 8-10. Lượng mưa đến chiều 8-10 tại một số địa phương như Đức Phong (Quảng Ngãi) đạt 121,2mm, Tam Lãnh (Quảng Nam) 96,4mm, Hương Nguyên (Thừa Thiên Huế ) 79mm, Phù Mỹ (Bình Định) 76,8mm…
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, ngày 9-10, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to trên 80mm. Khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to trên 70mm, tập trung vào chiều tối và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngày 8-10, mực nước lũ tại ĐBSCL tiếp tục ở mức cao. Trên sông Hậu tại TP Long Xuyên (An Giang) đạt mức 2,47m, vượt báo động (BĐ) II là 0,27m. TP Long Xuyên hiện là nơi chịu tác động lớn của mực nước lũ đầu nguồn đổ về và triều cường dâng cao. Trong khi đó, mực nước ở vùng đầu nguồn chỉ dao động ở cấp BĐ I. Tại Đồng Tháp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Tấn Đạt cho biết, đỉnh lũ năm nay dự báo sẽ diễn ra từ ngày 18-10 đến 20-10, một số nơi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị ngập.
Theo dự báo, mực nước tại khu vực đầu nguồn (ven sông Tiền) đang ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước từ 17-42cm, cao hơn trung bình nhiều năm từ 16-17cm và đạt đỉnh vào ngày 18 đến 20-10. Còn khu vực nội đồng huyện Tháp Mười, mực nước sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước từ 20-32cm. Tại Hậu Giang, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, triều cường tới người dân nhằm nâng cao ý thức trong việc ứng phó có hiệu quả giảm bớt thiệt hại.
Dự báo trong 10 ngày tới (từ ngày 17 đến 18-10), mực nước ở các vùng đầu nguồn sông Cửu Long sẽ vượt BĐ II. Trong khi đó, các địa phương vùng hạ lưu như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu mực nước sẽ vượt BĐ III do lũ kết hợp với triều cường.