Theo đó, từ 7 giờ ngày 7-10, BOT Cai Lậy chính thức thu phí tại 2 trạm, gồm: Trạm thu phí Quốc lộ 1 (8 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, trong đó 6 làn thu phí không dừng, 2 làn thu phí hỗn hợp) với giá vé thấp nhất là 14.000 đồng và cao nhất 118.000 đồng; Trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ trong đó 2 làn thu phí không dừng và 2 làn thu phí hỗn hợp với giá vé thấp nhất 24.000 đồng và cao nhất 137.000 đồng.
Tại buổi họp báo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, BOT Cai Lậy đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, dọn dẹp vệ sinh mặt đường, cơ bản hoàn thành khối lượng sơn mặt đường trên Quốc lộ 1 và tuyến tránh… Cả 2 trạm thu phí trên tuyến tránh và Quốc lộ 1 đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị thu phí không dừng; đã hoàn thành công tác vận hành chạy thử đơn trạm, liên trạm và kết nối...
Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, các phương tiện cơ giới của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú trên địa bàn 41 xã, phường, thị trấn trong phạm vi bán kính 10km (bao gồm cá nhân và tổ chức doanh nghiệp) không kinh doanh giảm 100%, phương tiện sử dụng để kinh doanh giảm 50% tại Trạm thu phí Quốc lộ 1.
Ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, BOT Cai Lậy cho biết, hợp đồng ban đầu thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng 29 ngày nhưng do giá vé điều chỉnh, thực hiện chính sách miễn giảm lớn, ghi nhận doanh thu riêng cho 2 trạm thu phí, phân chia lưu lượng với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, các tuyến đường tỉnh lộ khác rất cao nên thời điểm hiện tại chưa đủ dữ liệu xác định thời gian thu phí. Theo đó, sau 1 năm thu phí, BOT Cai Lậy sẽ cập nhật phương án tài chính, tính toán thời gian thu phí hoàn vốn.
Cũng theo ông Duy, thời gian qua BOT áp dụng thu thử để kích hoạt các thiết bị, chưa thực hiện thu tiền nên chưa đánh giá được tình hình cũng như mức phí hoàn vốn. Trung bình mỗi ngày đêm khoảng 20.000 lượt xe qua trạm bao gồm cả tuyến tránh và Quốc lộ.