Chương trình dự kiến sẽ được tổ chức công phu từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến dàn dựng; quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản bài chòi tham gia, trình diễn.
Cũng theo Bộ VH-TT-DL, để bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi, chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản này sẽ được công bố tại lễ đón bằng.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cùng 9 tỉnh khu vực Trung bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản; tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản...
Hiện, tỉnh Bình Định đang xây dựng, hoàn thiện dự án nhằm bảo tồn nghệ thuật bài chòi, trong đó đề cao việc tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.