Lộ trình thay thế: Ngô Tất Tố - (rẻ trái) Nguyễn Hữu Cảnh - (quay đầu hẻm 113) Võ Duy Ninh - hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh hoặc Ngô Tất Tố - Trần Quang Long/Nguyễn Văn Lạc - Phạm Viết Chánh - Nguyễn Hữu Cảnh. |
Dự án sẽ nâng cao độ mặt đường ở những nơi bị lún (dài khoảng 500 m, bị lún từ 0,5 cm đến 1,2 m), đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên, phù hợp với cao độ san nền quy hoạch... Phần vỉa hè sẽ lát gạch Terazo.
Để thực hiện dự án có khoảng 60/459 cây xanh sẽ bị đốn (sinh trưởng yếu, cụt ngọn), số còn lại được giữ lại, sau khi dự án hoàn thành sẽ bổ sung thêm 130 cây mới. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng cải tạo, xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật và sửa chữa một số hạng mục khác dọc tuyến đảm bảo mỹ quan đô thị. Dự án có tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 371 tỷ.
Trả lời câu hỏi khi dự án hoàn thành, có cần máy bơm chống ngập nữa hay không, ông Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, mục tiêu của dự án vừa giải quyết ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh vừa chỉnh trang tuyến đường. Vì vậy, khi công trình hoàn thành, "chắc chắn trục đường này không còn ngập vì đã được tăng cường cống thoát nước, cửa xả". Tuy nhiên, đường Nguyễn Hữu Cảnh được thiết kế trên lưu vực thoát nước nhỏ hơn lưu vực máy bơm ký hợp đồng chống ngập với thành phố nên phần lưu vực còn lại vẫn phải cần máy bơm. Khi dự án hoàn thành, thành phố có tính toán lại hợp đồng với chủ đầu tư máy bơm hay không thì lại là vấn đề khác.
Về phương án phân luồng và điều tiết giao thông, ông Ninh cho biết trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến hết phạm vi nút giao cầu Thủ Thiêm) sẽ chiếm dụng 24/24. Trong giai đoạn 1 (thi công hệ thống cống hộp dọc thoát nước bên trái tuyến) đơn vị thi công sẽ cải tạo vỉa hè thành mặt đường nhựa khoảng 3 m nhằm hạn chế ảnh hưởng đến lộ trình các tuyến xe buýt đi qua khu vực. Xe máy được lưu thông qua hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và cấm ôtô đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hướng từ Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt.
"Dù phương án tổ chức giao thông để hạn chế kẹt xe đã được tính toán rất kỹ, tuy nhiên quá trình thi công mặt đường bị thu hẹp nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân, chúng tôi mong bà con thông cảm", ông Nguyễn Vĩnh Ninh nói và cho biết sẽ phối hợp với CSGT, Thanh niên xung phong để điều tiết giao thông.
Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố, có tổng vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2. Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10-2007, thành phố phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu Văn Thánh 2.
Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án hầm chui còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường, ngân sách nhà nước phải bồi thường cho 57 hộ với khoảng 4 tỷ đồng. Còn phần đường, ngay sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng lọt vào danh sách các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố - được gọi là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ" từ nhiều năm nay. Nguyên nhân được cho là hàng loạt dự án bất động sản với hàng chục nghìn căn hộ san sát gây sụt lún mặt đường.
Để xử lý cấp bách tình trạng ngập, chính quyền TPHCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tự bỏ tiền (hơn 100 tỷ đồng) đầu tư máy bơm công suất lên đến 97.000 m3 mỗi giờ. Cuối năm ngoái, UBND TPHCM giao cho Trung tâm chống ngập tạm thanh toán tiền thuê dịch vụ bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) là hơn 9,8 tỷ đồng trong một năm cho Tập đoàn Quang Trung - chủ đầu tư máy bơm. Số tiền này được lấy từ nguồn kinh phí duy tu của trung tâm đã được giao năm nay.