Cách đây 79 năm, ngày 31-12-1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản thông báo một số động thái của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam và báo tin đã viết nhiều bài báo nhưng chưa thấy được đăng trên cơ quan lý luận của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa tổng tuyển cử” đăng trên báo Cứu Quốc, nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc tổng tuyển cử này”.
Cùng ngày, Bác viết bài “Thế giới với Việt Nam” điểm lại quan điểm của các nước lớn đối với cuộc vận động cách mạng của Việt Nam như Trung Hoa, Hoa Kỳ, Nga Xô Viết, Anh, với các nước nhỏ yếu và Hội nghị tam cường (Liên Xô, Mỹ, Anh) về vấn đề Viễn Đông để đi đến kết luận: “Chúng ta cứ bền gan, vững chí xây đắp thực lực để kiên quyết chiến đấu, sức chiến đấu ấy sẽ làm cho hoàn cầu thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của chúng ta”.
Cũng trong ngày này, Bác ký nhiều sắc lệnh quan trọng trong đó có việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết và sắc lệnh cử 2 ông Bùi Bằng Đoàn (nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội) và Bộ trưởng Canh nông Cù Huy Cận vào Ban thanh tra đặc biệt, có trách nhiệm chuyên xử lý các quan chức làm sai pháp luật.
Ngày 31-12-1954, nhân ngày cuối năm của năm đầu thủ đô giải phóng, Bác đến đặt hoa tại Đài liệt sĩ, trong diễn từ do Bác viết có đoạn: “Hỡi các liệt sĩ! Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi ngươi đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc... Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuốm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.
Ngày 31-12-1958, nói chuyện với thầy và trò Trường Chu Văn An, Hà Nội, Bác dạy: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi đôi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm. Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trái hẳn với cá nhân chủ nghĩa. Cái gì không xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa”.
Ngày 31-12-1959, kỳ họp lần thứ 11 của Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp sửa đổi. Phát biểu về sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp kết luận: “Ngày mai là năm mới, nhân dân ta có Hiến pháp mới. Đó là một kỷ nguyên mới để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...”. Tiếp đó, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng phát biểu: “Ngày mai đây, ngày mở đầu năm 1960 là năm Hồ Chủ tịch sẽ công bố Hiến pháp mới. Năm 1960 là năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 15 tuổi. Năm 1960 lại là năm kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và năm mà vị lãnh tụ yêu mến của chúng ta là Hồ Chủ tịch lên 70 tuổi. Lịch sử Đảng và lịch sử Hồ Chủ tịch không thể tách rời nhau”.
Bác Hồ và Bác Tôn ôm hôn nhau thắm thiết là hình ảnh kết thúc năm 1959, một năm cách đây đúng một nửa thế kỷ!
D.T.Q. và nhóm cộng sự