Ngày 28-3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD-ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
5 yêu cầu của Thủ tướng
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về Bộ GD-ĐT.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là trong đổi mới giáo dục, trong đó có vai trò của Bộ trưởng.
Tuy nhiên, Thủ tướng giao Tổ công tác chuyển tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 5 vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục khắc phục.
Tự chủ tuyển sinh nhưng phải giải trình rõ, tránh tình trạng để lấp đầy chỉ tiêu mà tuyển sinh bằng mọi giá, bỏ qua yêu cầu về bảo đảm chất lượng.
Thứ hai là các vấn đề liên quan đến giáo viên, trong đó có vấn đề tuyển sinh sư phạm, 500 giáo viên ở Đắk Lắk bị cắt hợp đồng, nhiều giáo viên mầm non về hưu lương quá thấp...
Ông Mai Tiến Dũng nói, hiện nay một số nơi thực hiện ghép điểm trường, sẽ dư thừa giáo viên, đặt ra bài toán đào tạo sư phạm như thế nào để tránh tình trạng khủng hoảng thừa giáo viên.
“Một số nơi sinh viên sư phạm gửi hồ sơ xin việc làm công nhân không dám ghi là tốt nghiệp sư phạm”, ông Mai Tiến Dũng dẫn ra.
Bên cạnh đó là vấn đề lương giáo viên.
Thứ ba, vấn đề phẩm chất đạo đức của nhà giáo, ép học sinh học thêm, chạy trường chạy lớp gây mất niềm tin của xã hội. Bên cạnh đó là tình trạng xúc phạm nhân phẩm giáo viên, hành hung giáo viên, là vấn đề đáng buồn của xã hội, cần chấn chỉnh ngay.
“Không thể chấp nhận tình trạng học sinh lên bục giảng bóp cổ cô giáo, đó là việc từ xa xưa cũng không có. Nếu không có sự nghiêm khắc của thầy cô giáo thì học sinh không thể nên người”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Thứ tư là vấn đề công nhận GS, PGS mà xã hội rất bức xúc. Vừa qua nhiều ứng viên chưa được công nhận GS, PGS đó là trách nhiệm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước mà Thủ tướng yêu cầu phải giải trình rõ, công khai minh bạch cho xã hội biết.
Thứ 5, Thủ tướng, Chính phủ quyết tâm xây dựng những trường đại học, những thương hiệu xứng tầm khu vực và thế giới.
Nhưng vừa qua sau khi làm việc với ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội Thủ tướng vẫn chưa nhận được báo cáo của các trường này trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tiến độ triển khai.
Tuyển sinh tổ hợp “lạ”: Bộ GD-ĐT sẽ thanh tra, xử lý
Giải trình lại các vấn đề Thủ tướng yêu cầu, về vấn đề một số trường tư thục vừa qua đưa ra tổ hợp tuyển sinh “lạ”, tuyển khối C cho ngành kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, theo quy định tổ hợp tuyển sinh mới phải bảo đảm phù hợp yêu cầu của ngành đào tạo đó, trong đó có ít nhất môn toán, văn; mỗi ngành không có quá 4 tổ hợp.
“Như vậy, về mặt pháp lý đã rõ. Các trường khi đưa ra tổ hợp "lạ", Bộ GD-ĐT đã trao đổi với các trường, đã nêu rõ quan điểm, nếu trường nào không thực hiện nghiêm túc thì bộ sẽ thanh tra, kiểm tra và có giải pháp xử lý. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là ngành đào tạo phải bảo đảm chất lượng, sinh viên ra trường phải có việc làm”, Thứ trưởng Phúc nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, công bố rất công khai minh bạch về việc những trường nào không thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh.
Về đào tạo sư phạm để tránh dư thừa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã làm việc với các địa phương để bảo đảm từ 2018 tuyển sinh phải có địa chỉ, dựa trên nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ bảo đảm được vấn đề chuyên môn cho giáo viên, còn ra trường có xin việc được hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển dụng của địa phương, vị thế xã hội của nghề giáo...
Về lương giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hy vọng trong đề án cải cách về lương tới đây, lương của giáo viên được cải thiện. Ngành giáo dục kiên trì kiến nghị Chính phủ nâng lương cho giáo viên. Hiện nay lương của giáo viên mới ra trường rất thấp, muốn cải thiện phải có thâm niên, đó là bất cập lớn.
“Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên, tính lương của giáo viên đều còn nhiều bất cập”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Nhiều giáo viên họ không đòi hỏi phải có lương cao ngay nhưng đòi hỏi phải tăng lương có kỳ vọng. Giáo viên làm sự nghiệp trồng người, không thể là viên chức bình thường.
Với các vụ việc bạo hành xảy ra trong trường học vừa qua liên quan đến giáo viên, học sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, tuyệt đại đa số giáo viên có phẩm chất, tâm huyết với nghề, nhưng có một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo: giáo viên mầm non đánh trẻ, giáo viên phổ thông ép học sinh học thêm...
Nguyên nhân là do cường độ công việc căng thẳng; chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng; công tác thanh tra, kiểm tra chưa mạnh. Gần đây trong trường học có nhiều vụ bạo hành nhà giáo mà ngành đang dồn tâm sức chỉ đạo.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, tới đây ngành giáo dục sẽ làm mạnh vấn đề dạy lễ dạy người trong trường học, không chỉ dạy kiến thức mà phải chú trọng dạy làm người.
Về vấn đề công nhận GS, PGS, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã có giải trình. Trong đó có một số ứng viên chưa được sàng lọc kỹ qua các hội đồng.
Vừa qua khi có chỉ đạo của Thủ tướng thì đã tiến hành rà soát, còn lại 94 ứng viên có đơn thư cần rà soát lại. Đến ngày 31-3 mới kết thúc rà soát.
“Từng hội đồng ngành trao đổi với từng ứng viên để rà soát thật kỹ. Không phải có chỉ đạo của Thủ tướng mới rà soát kỹ, mà là rà soát theo quy trình. Ứng viên nào không đáp ứng thì kiên quyết không công nhận”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Hiện nay Bộ GD-ĐT đang dự thảo, lấy ý kiến về quyết định của Thủ tướng chuẩn công nhận GS, PGS. Để bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rất kỹ, đến nay cơ bản đã đồng thuận, sẽ sớm trình Thủ tướng ký quyết định về chuẩn công nhận GS, PGS.
Tại cuộc làm việc, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ công tác lo ngại: vấn đề bạo lực trong học đường, giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh lại giáo viên, phụ huynh hành hung giáo viên… phải chăng không chỉ còn là hiện tượng mà là xu hướng đang lan rộng?
“Liệu đó có là kết quả của những bất cập mà ngành giáo dục đang tồn tại, nếu là xu hướng thì ngành giáo dục phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để có giải pháp xử lý’, ông Thiên nêu.