Cách đây 89 năm, ngày 29-12-1920, Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tiến hành bỏ phiếu lựa chọn con đường giữa Quốc tế II và Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đứng vào hàng ngũ những người tiên phong gia nhập Quốc tế Cộng sản.
Giải thích với nữ đồng chí ghi biên bản cho cuộc họp về sự lựa chọn này, người đại biểu thuộc địa trả lời: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Phát biểu tại đại hội, Nguyễn Ái Quốc bày tỏ: “...Tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự đại hội đầu tiên của những người cộng sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội Pháp, một đồng chí bản xứ thực sự tham gia vào công việc của đại hội. Tôi cũng phải nói đó là dấu hiệu tốt, bởi điều đó xác nhận rằng, chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản người ta mới thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng, và cũng chỉ có nó chúng ta mới có thể thực hiện được sự hòa hợp và hạnh phúc ở chính quốc và ở các thuộc địa”.
Ngày 29-12-1952, chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ tổng kết tình hình và thảo luận kế hoạch năm 1953, Bác kết luận: Khuyết điểm còn tồn tại trong năm 1952 là lãnh đạo không sát dẫn đến tội quan liêu, tham ô, lãng phí (ý nói đến vụ án Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu phải lãnh án tử hình) và đưa ra chủ trương: “Chúng ta bắt đầu tiến hành 3 chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Năm 1953 phải cố gắng làm ba chống triệt để, cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào... Phải có chính sách cán bộ. Cải tiến sinh hoạt, cất nhắc, khen thưởng, giáo dục đào tạo, mạnh dạn cất nhắc cán bộ mới, cân nhắc đức tài”.
Ngày 29-12-1959, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác phát biểu: “Đây là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Thi hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình là nhiệm vụ của toàn dân”.
Ngày 29-12-1960, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Bác viết bài trên Báo Nhân Dân, trong đó có đoạn: “Riêng về phần cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 29-12-1965, Bác Hồ gửi tặng Binh chủng Công binh bằng khen và dòng chữ: “Binh chủng Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dũng cảm vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ, công tác, phục vụ kịp thời chiến đấu, góp phần vào chiến thắng chung của toàn quân, toàn dân”.
Ngày 29-12-1966, phát biểu tại phiên họp cuối năm của Chính phủ, khi nói đến công tác lưu thông phân phối, Bác nhắc nhở “phải nhớ hai điều quan trọng là: Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự