Hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ kiều kiện dự thi chậm nhất ngày 23-7. Trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1-8; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các điểm thi trước ngày 4-8. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố vào 27-8.
Qua thảo luận, hội nghị thống nhất cao về mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ của kỳ thi; phân công rõ trách nhiệm các bên. Trong đó, UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ tập trung vào một số việc: chỉ đạo chung về kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Trong Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành tới đây, sẽ nhấn mạnh thêm trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức kỳ thi.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở GD-ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bảo đảm chất lượng để học sinh yên tâm, tự tin dự thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi. Do đó, công tác ôn tập cần có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của kỳ thi, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực. Các nhà trường cần chỉ đạo, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, để công tác dạy học trong nhà trường an toàn, học sinh học tập, ôn thi không căng thẳng.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên; phải tập huấn kỹ lưỡng cho nhân sự tham gia để từng thành viên đều nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn; chú ý chọn người tham gia kỳ thi có phẩm chất, đạo đức tốt.
Về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, các địa phương cần lưu ý việc chuẩn bị và lắp đặt camera bảo đảm chất lượng theo quy định; tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc. Về công tác chấm thi, công bố kết quả thi, phân tích phổ điểm, năm nay hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Do đó, các địa phương phải bảo đảm việc chấm thi phải thực hiện đúng quy trình, quy định trong quy chế thi. Cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Điểm mới là năm nay thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. Việc này giúp phát hiện ra những “điểm trũng” để có chính sách cải thiện tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm nay Chính phủ giao các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi, nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi. Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay là có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh. Cùng với đó, năm nay dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này. Hướng dẫn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất.
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, kỳ thi năm nay tổ chức trong điều kiện dịch bệnh nên đã có những điều chỉnh nhưng vẫn đặt mục tiêu cao nhất: an toàn, nghiêm túc, khách quan. Ngoài đoàn thanh tra của bộ, tỉnh như truyền thống mọi năm, năm nay các hội đồng thi sẽ có tổng cộng 3 đối tượng cán bộ thanh tra. Việc làm này đã được tham khảo ý kiến từ Thanh tra Chính phủ nên không sai quy trình, đảm bảo đúng nguyên tắc.