Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững" được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay, 8-11, tại Hà Nội. Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, ngày 22-11 tới sẽ diễn ra Lễ tôn vinh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất năm 2018.
Kể từ khi bắt đầu xây dựng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) lần đầu tiên đến nay, nhiều chuyển biến quan trọng đã được ghi nhận. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, năm 2015, lần đầu tiên bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (DNBV) được đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Với 131 chỉ tiêu, đánh giá toàn diện các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, bộ chỉ số đã trở thành một công cụ quan trọng để định hướng, lập chiến lược quản trị doanh nghiệp. “Hiện nay đã có bộ chỉ số riêng cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến thuỷ hải sản và đến cuối năm nay có thêm ngành da giày túi xách. Việc xây dựng bộ chỉ số chuyên biệt cho một số ngàn nghề khác đang tiếp tục”, ông Vinh thông báo.
PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định: “Báo cáo bền vững sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp công bố thông tin về tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính. Việc áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững và lập báo cáo bền vững là một trong những công cụ, nền tảng thiết yếu và hữu hiệu giúp doanh nghiệp đánh giá lại một cách tổng thể chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ đó có thể nắm bắt được những cơ hội mới do phát triển bền vững mang lại”.
Ông Đình cũng cho hay, quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính. Mức độ kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực thống kê phục vụ giám sát theo dõi thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về các mục tiêu phát triển bền vững; thậm chí còn thờ ơ, xem báo cáo phát triển bền vững như là vấn đề nằm ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững đạt hiệu quả, Việt Nam cũng đã đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Đó là, hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Theo đó, muộn nhất trong năm 2018 sẽ hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức.