NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC
Tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, ngoài các đơn vị bộ binh, binh chủng, còn có lực lượng đặc biệt là đặc công, biệt động. Đó là Sư đoàn Đặc công 2 (gồm 6 trung đoàn 10, 113, 115, 116, 117, 429); Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 (gồm các tiểu đoàn Đặc công 80, 81, 82, các đoàn Biệt động Z10, Z21, Z22, Z23, Z25, Z26, Z28, Z30, Z31, Z32); lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (gồm các Tiểu đoàn 195, 197, 198 và 60 tổ thuộc 11 đại đội độc lập). Toàn bộ lực lượng nói trên được bố trí trên các hướng xung quanh và trong nội đô thành phố Sài Gòn.
Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường đưa Quân giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn.
Đêm 19-4-1975, Tiểu đoàn Biệt động 197 cùng Tiểu đoàn 23/Trung đoàn Đặc công 429 tấn công Trung tâm rađa Phú Lâm, làm tê liệt hoạt động của trung tâm này trong nỗ lực tổ chức kháng cự của quân địch.
Trên các hướng khác, các đơn vị đặc công, biệt động phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở hành lang ven đô dẫn vào thành phố; khống chế và chiếm một số mục tiêu quan trọng được phân công; đánh - chiếm giữ những cây cầu quan trọng trên các trục lộ giao thông chính vào nội đô Sài Gòn, hướng dẫn và cùng với các binh đoàn chủ lực đánh chiếm căn cứ Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài Phát thanh, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Dinh Độc Lập và các mục tiêu khác.
Với phương châm lợi dụng sơ hở của địch, lấy ít đánh nhiều, tập kích nhanh rút gọn, với lối đánh độc đáo biến hóa, bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, với hành động mưu trí quả cảm, xuất quỷ nhập thần, lực lượng Đặc công, Biệt động đã chiến đấu góp phần quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
HỒ SƠN ĐÀI