Trân giữ món quà của chuyến thăm
Đến ngôi nhà nhỏ của ông Trần Ngọc (trú xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nằm sâu tại con đường làng ngoằn ngoèo, phủ mát rượi bởi một bên là vườn cây ăn trái còn một bên là thửa ruộng còn ngập nước. Nghe có khách đến, vợ chồng ông Ngọc đon đả mở cửa mời khách.
Nói đến Hoàng Sa, cho đến bây giờ gần 48 năm nhưng những cảm xúc vài tháng trên đảo với ông vẫn vẹn nguyên.
Cứ mỗi năm, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức những chuyến thăm và tặng quà tri ân. Với ông Ngọc, mỗi năm, vui nhất cũng là ngày này mà buồn nhất cũng là ngày này. Vui là vì ngày này, UBND huyện Hoàng Sa đến thăm. Tuy nhiên, ông cũng buồn vì đây là thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, 19-1-1974.
Do tuổi đã cao, ông Ngọc chỉ còn nhớ được một người đồng đội và cũng là bạn thân từng làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa.
“Các anh đến thăm, ông vui lắm. Nhà chỉ có 2 vợ chồng quanh quẩn với nhau. Năm nào cũng thế, đoàn của UBND huyện Hoàng Sa đến thăm và tặng gì cho ông là ông giữ kỹ lắm. Ông cất trên bàn thờ của nhà, lâu lâu mở ra những như nhớ lại những kỷ niệm về vùng đất cũ”, vợ ông Ngọc tâm sự.
Để tư liệu Hoàng Sa còn mãi
Từng công tác trên đảo Hoàng Sa với vai trò quân y thuộc tiểu khu Quảng Nam, nhưng ông Lê Lan (69 tuổi, trú Lý Thường Kiệt, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã trực tiếp đụng độ với kẻ thù trong lần thứ 2 nhận nhiệm vụ trên đảo. Dù đã cố gắng chiến đấu cầm cự nhưng trước sự áp đảo của địch và không có sự chi viện từ đất liền, ông và một số lính bảo vệ đảo bị Trung Quốc bắt và đưa về giam ở đảo Hải Nam suốt vài tháng. “Hoàng Sa là tuổi trẻ, là mồ hôi, nước mắt và máu của chúng tôi. Mỗi lần nhắc tới quần đảo thân yêu, lòng tôi rất đau đớn”, ông Lan tâm sự.
Trở về với gia đình hơn 47 năm, ông Lê Lan đã có 4 người con. Bên cạnh đó, ông Lan học nghề tại các xưởng sản xuất theo kiểu cầm tay chỉ việc, thợ lành nghề đào tạo cho các thợ phụ. Đến nay, trong nhà cũng có một nơi gọi là xưởng cơ khí của ông. Dù đã già, ông cũng muốn cho mình một cái nghề để cảm thấy “đang được sống, có gì giúp được đời”.
Trao đổi với ông Lê Phú Nguyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Lan kể rằng, rảnh rỗi ông cũng thường kể về câu chuyện Hoàng Sa cho con cháu trong nhà. Có lúc, cháu nội ông Lan thắc mắc: “Hoàng Sa là nằm ở chỗ mô rứa ông nội? Con muốn đi xem thử!”. Vì vậy, ông Lan góp ý, các địa phương cần có những chuyến đi đến nhà Trưng bày Hoàng Sa – nơi còn “dấu ấn” của huyện đảo Hoàng Sa, để những thế hệ con cháu người Việt mai sau có thể tường tận và khắc ghi trong lòng.
Ông Lê Phú Nguyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết, đây là hoạt động thường niên được chính quyền huyện tổ chức vào mỗi dịp 19-1. Huyện ý thức được những nhân chứng từng có thời gian công tác trên quần đảo Hoàng Sa chính là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Do vậy, không chỉ dịp 19-1 mà các sự kiện của UBND huyện Hoàng Sa phải luôn có mặt những nhân chứng sống này.
“Họ đều đau đáu với chúng tôi rằng bằng cách nào đó, hãy mang tất cả những công sức, kỷ niệm, tư liệu của họ về Hoàng Sa đến với tất cả người dân Việt Nam và thế giới được biết. Qua đó nhắc nhở thế hệ sau không được quên Hoàng Sa, phải luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam và tiếp tục đấu tranh để một ngày nào đó đưa Hoàng Sa về với Tổ quốc”, ông Nguyện cho hay.
Bên cạnh đó, UBND huyện Hoàng Sa cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là trách nhiệm chính, yếu tố quan trọng góp phần nâng cao ý thức chủ quyền, chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc thông qua ấn phẩm xuất bản, báo chí,... Trong đó, UBND huyện nhận thức là đơn vị chịu trách nhiệm của việc tập hợp, thống kê, hệ thống hóa, nghiên cứu để làm cơ sở cho các kênh tuyên truyền khác.