Bình Thuận là tỉnh cực Nam của Nam Trung bộ, giáp với Ninh Thuận từ phía Bắc, Long Khánh từ phía Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận chia làm hai tỉnh là Bình Thuận và Bình Tuy. Tại thị xã Phan Thiết - tỉnh lỵ Bình Thuận - quân đội ngụy quyền Sài Gòn xây dựng hệ thống cứ điểm quân sự mạnh nằm trong tuyến phòng thủ Phan Rang - Phan Thiết - Xuân Lộc. Sau khi Phan Rang thất thủ, Phan Thiết trở thành chốt chặn tiền tiêu của chính quyền Sài Gòn từ hướng Đông.
Trong lúc cánh quân Duyên Hải tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang, sau đó theo đường 1 tiếp tục hành quân về phía Nam, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, lực lượng vũ trang Quân khu 6 tiến công cụm cứ điểm Ma Lâm (chi khu Thiện Giáo), Phú Long, Tân Điền, Tân Hưng, Bình Lâm, An Phú, Lương Sơn…
Quân giải phóng và nhân dân làm chủ Tiểu khu quân sự tỉnh Bình Thuận.
Trưa ngày 18-4-1975, cánh quân Duyên Hải tiến công làm chủ các quận Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa, áp sát thị xã Phan Thiết. Trung đoàn 812 (Quân khu 6) phối hợp với Trung đoàn 18 (Quân đoàn 2) đột phá phòng tuyến Sông Cái, phát triển vào bên trong thị xã, đánh chiếm Ty Cảnh sát, Dinh Tỉnh trưởng Bình Thuận. Đến 22 giờ, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Thiết. Các địa phương còn lại của Bình Thuận tiếp tục được giải phóng ngay sau đó (toàn tỉnh Bình Thuận: ngày 19-4; tỉnh Bình Tuy: ngày 23-4; Cù lao Thu: ngày 27-4).
Phan Thiết thất thủ, quân địch ở Xuân Lộc lâm vào thế bị kẹp giữa 2 gọng kìm trên cả 2 hướng Bắc và Nam. Cùng ngày 18-4-1975, Tổng thống Mỹ G.Ford giao nhiệm vụ cho lực lượng đặc nhiệm điều khiển kế hoạch di tản, phương tiện gồm 35 tàu chiến (4 tàu sân bay) và hàng trăm máy bay các loại. Chiến dịch di tản này mang tên “Người liều mạng”.
HỒ SƠN ĐÀI