Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban tổ chức APPF-26 cho biết, là quốc gia đăng cai APPF-26, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các Nghị viện thành viên. Đến thời điểm này đã có 22 trong tổng số 27 Nghị viện thành viên - kể cả nước chủ nhà Việt Nam - đăng ký tham dự APPF-26 với khoảng 350 đại biểu quốc tế. Trong đó, có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch. Đoàn đông nhất là đoàn đại biểu Indonesia với 50 thành viên.
Các nước tham dự đã thống nhất xác định chủ đề của hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới, đặc biệt là trên các diễn đàn đa phương cũng như những quan tâm chung của các quốc gia đó là hòa bình, ổn định, phát triển bền vững. Chủ đề này cũng định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân.
“Để ghi dấu ấn 25 năm hình thành và phát triển APPF, đưa ra một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương. Nếu được Ban Chấp hành và các nước thành viên APPF nhất trí thông qua thì tuyên bố này sẽ là kết quả đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa của APPF 26. Bản tuyên bố sẽ đảm bảo tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua”, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Phiên khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 18h ngày 18-1 tại Tòa nhà Quốc hội. Các phiên họp còn lại sẽ diễn ra tại Khách sạn JW Marriott, quận Nam Từ Liêm. Ngoài phiên họp của nữ nghị sĩ, trong khuôn khổ APPF 26 sẽ diễn ra 4 phiên thảo luận toàn thể về các vấn đề chính trị và an ninh; kinh tế và thương mại; hợp tác phát triển khu vực và tương lai APPF…
Các phiên họp này sẽ xoay quanh chủ đề chung do Việt Nam đề xuất là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và tăng trưởng bền vững”.
Bên lề APPF sẽ có 34 cuộc gặp song phương của các đoàn với Việt Nam. Trong đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có 17 cuộc tiếp xúc giữa với đại biểu các nước.
Hiện nay đã có 13 nước đề xuất 45 dự thảo Nghị quyết, trong đó, đoàn Việt Nam đề xuất 6 dự thảo Nghị quyết và Tuyên bố APPF Hà Nội - Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm, tại Diễn đàn Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 diễn ra tại Hà Nội cách đây gần 3 năm, Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố Hà Nội với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” và văn kiện này đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi trong các diễn đàn nghị viện đa phương.