Cách đây 90 năm, ngày 14-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp theo dõi ghi nhận Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Tòa soạn tờ L’Humanité (Nhân Đạo) của đảng Xã hội Pháp, đến tòa soạn tờ La Dépêche Coloniale (Tin điện Thuộc địa) và gặp gỡ một số người...
Tháng 12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các chiến sĩ Nam bộ và Nam phần Trung bộ biểu dương: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi và tất cả đồng bào ở Bắc bộ và phía Bắc Trung bộ đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại giống nòi ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó tôi càng tin chắc rằng: với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa... Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta!”.
Ngày 14-12-1954, Báo Nhân Dân đăng trả lời phỏng vấn qua thư của Bác cho phóng viên Báo Regards thêm một lần khẳng định: “Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam... Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn, tin cậy lẫn nhau v.v...”.
Ngày 14-12-1958, Bác tiếp tục dự kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa I, đã thông qua nghị quyết: “Giao cho Chính phủ nghiên cứu thảo một đạo luật về hôn nhân và gia đình để trình Quốc hội... Trước khi có đạo luật hoàn chỉnh, Chính phủ nên có những biện pháp thích đáng nhằm ngăn chặn những việc không hợp lý còn tồn tại trong xã hội ta về hôn nhân và gia đình”.
Cũng trong tháng 12-1958, trong bài “Đạo đức cách mạng” của Bác đăng trên Tạp chí Học Tập, có đoạn viết: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn. Nhưng có đồng chí thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó cũng là chủ nghĩa cá nhân... Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự