Cách đây 90 năm, ngày 13-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc, sau khi đến Thư viện Giơnvievơ, đã đến Vườn hoa Luychxămbua ở Paris.
Ngày 13-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với phóng viên báo Paris-Saigon: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy. Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”.
Ngày 13-12-1946, báo Cứu Quốc đăng hai bài viết của Bác. Trong bài “Chiến lược của quân ta và quân Pháp” nêu rõ: “Chiến lược của chúng là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng” còn “chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến... Kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao... Nhưng chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta”.
Còn trong bài “Động viên kinh tế”, tác giả đi đến kết luận: “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân sẽ gắng gỏi trong công việc này”.
Ngày 13-12-1951, Bác viết bài “Tinh thần trách nhiệm” đăng trên báo Nhân Dân với lời kết luận: “...với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm, cũng như nhất định chiến thắng thực dân”. Cũng trong năm này, Bác có cuộc nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa 2, trong đó đưa ra những quan điểm: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm việc được cho dân, thì dân không cần đến nữa... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bẩy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân... Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân…”.
Ngày 13-12-1958, tiếp các đại biểu Quốc hội nhân kết thúc kỳ họp thứ 9, của Quốc hội khóa I, Bác động viên: “Nếu toàn dân cố gắng, toàn Đảng cố gắng, Chính phủ cố gắng, ta sẽ có dịp ăn mừng những thắng lợi to lớn hơn nữa”.
D.T.Q và nhóm cộng sự