Người yêu ơi được viết sau khi tác giả đã hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên, đang chờ được đưa vào sản xuất.
Việc viết tiểu thuyết sau khi viết kịch bản dường như là một cách làm “ngược” so với thông lệ. Thế nhưng, Đỗ Bích Thúy cho rằng, viết cái gì trước cái gì sau không quan trọng, quan trọng là ở mỗi thể loại chị có thể thực hiện những ý đồ khác nhau; có những điều chỉ kịch bản làm được, có những điều chỉ văn học làm được. Tiểu thuyết giúp thỏa mãn nhiều ý đồ khác của nhà văn mà kịch bản thì không thể.
Tuy là cùng tên Người yêu ơi, cùng một hệ thống nhân vật, lấy bối cảnh không gian, con người miền núi để nói câu chuyện tình yêu muôn thuở của con người, nhưng ở 3 thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim), số phận của mỗi nhân vật cũng như diễn biến câu chuyện lại có những khác biệt. Chính bởi vậy, sau khi đọc truyện ngắn, người đọc vẫn bị tiểu thuyết lôi cuốn từng trang sách.
Ở đó là truyền thuyết về một phiên chợ tình trên núi cao, nơi mà những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau sẽ có cơ hội để trở về; là tiếng lòng say đắm, là nỗi buồn da diết, với sự giằng xé nội tâm của một cô gái Mông đang yêu, được yêu và khao khát kiếm tìm yêu thương; là bóng hình của người đàn ông trong gia đình mạnh mẽ mà bao dung che chở…
Truyện lấy bối cảnh miền núi - thế mạnh của tác giả, viết về câu chuyện của hai vợ chồng trẻ người Mông, nhưng ai cũng sẽ thấy mình ở trong đó bởi tình yêu thì luôn trong trẻo, đắm say và dại khờ như bao đời nay vẫn thế.
Bạn đọc đã từng ấn tượng với sự dữ dội của Chúa đất, với nỗi đau đớn, tuyệt vọng trong Lặng yên dưới vực sâu, thì ở tiểu thuyết Người yêu ơi, Đỗ Bích Thúy mang tới một nỗi buồn sâu thẳm, rất đàn bà nhưng không tuyệt vọng.
“Người ta không chỉ cần phải biết là mình đang có gì, mà còn phải biết là mình đang không có gì trong cuộc đời”, nữ nhà văn chia sẻ.
Và cũng như nhiều tác phẩm khác của mình, tiểu thuyết Người yêu ơi không cầu kỳ trong kỹ thuật, không lộng lẫy trong ngôn từ nhưng đã gieo vào bạn đọc những cảm xúc rất đời, nhẹ nhàng, da diết, chân thực mà ấm áp khôn nguôi.