
Ngập nước đang là một trong hai vấn nạn lớn tại TPHCM. Theo báo cáo của Sở GTCC, trên địa bàn TP còn 78 điểm ngập. Tuy nhiên, điều gây bức xúc trong dư luận là trong khi số điểm ngập cũ ở nội thành chưa thể khống chế được thì tình trạng ngập nước ở ngoại thành lại bắt đầu gia tăng khiến người dân rất băn khoăn. Câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là “bao giờ thành phố hết ngập?” mà lại là “liệu TP có giải quyết được tình trạng ngập không?”
Ngập 4 mùa!

Tình trạng ngập nước mùa mưa diễn ra nhiều năm tại TPHCM và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ
Theo báo cáo của Sở GTCC, trên địa bàn TP còn tồn tại 78 điểm ngập. Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác thì số điểm ngập này chưa tính đến các điểm mới phát sinh ở khu vực ngoại thành, vùng ven. Điều đáng nói là vài tháng qua, khi một số dự án ở khu vực trung tâm TP thi công làm bít hệ thống cống thoát nước thì khu vực trung tâm trở nên ngập nặng.
Nhiều tuyến đường mà trước đây vốn dĩ rất “an toàn” đối với người dân khi lưu thông trong mùa mưa như: Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thái Bình… thì nay, khi mưa xuống nước ngập 30 – 40mm. Khu vực cụm dân cư quanh các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Đặng Tấn, Trần Khắc Chân, Đặng Dung thuộc phường Tân Định (quận 1) trở thành biển nước mênh mông khi mưa xuống.
Ngoài ra, đường Đề Thám, Cô Bắc, Cô Giang… (quận 1) bắt đầu bị ngập do triều cường và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, tiếng là khu vực trung tâm TP nhưng mưa đến kết hợp với triều cường thì người dân ở đây vẫn sống trong cảnh “xăn quần lội nước”.
Những năm trước đây, ngập chỉ xảy ra ở các khu vực: bùng binh Cây Gõ - Hồng Bàng - Minh Phụng, vòng xoay Phú Lâm - Bà Hom - Nguyễn Văn Luông, bến xe Chợ Lớn - Lê Quang Sung - Nguyễn Thị Nhỏ - Tháp Mười, Đồng Đen - Bàu Cát, khu vực công viên Chiến Thắng – Hoàng Văn Thụ, Hồng Hà - Bạch Đằng - Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Đức Thọ - Phan Huy Ích… khi mưa.
Nhưng hiện nay, nhiều khu vực địa hình trũng thấp dù mưa hay không mưa vẫn bị ngập, chỉ có điều ngập ít hay ngập nhiều. Những khu vực ngập nặng do triều cường ngày càng lan rộng trên địa bàn các quận 2, 6, 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh… Tiêu biểu là các tuyến đường Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Phan Đình Phùng, Bùi Hữu Nghĩa, Phạm Thế Hiển, Lê Văn Lương…
Còn khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, báo cáo mới của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, hiện nay, chỉ một trận mưa vừa cũng đã gây ngập 30 – 50mm quanh khu vực công viên, gồm các tuyến đường: Phan Thúc Duyện, Trần Quốc Hoàng, Phổ Quang, Phan Đình Giót với thời gian ngập 30 – 45 phút. Cần lưu ý rằng đây là khu vực có địa hình cao của TP.
Điểm cũ chưa xóa, điểm mới phát sinh
Dựa theo nghiên cứu của mình, thạc sĩ Hồ Long Phi (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) nhận định rằng tình hình ngập từ năm 2003 đến nay tại các lưu vực: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Văn Thánh, phía Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Nam, Tây và khu vực quận Thủ Đức có chiều hướng ngày càng xấu hơn.
Đặc biệt, thời gian vừa qua dù các sở ngành chức năng rất cố gắng đầu tư chống ngập, tuy nhiên, kết quả còn rất khiêm tốn - từ đầu năm đến nay xóa được 7 điểm! Ngập lụt hiện nay giải quyết được chỗ này nhưng lại “xì” ra nhiều chỗ khác. Theo đánh giá của một chuyên gia ngành thoát nước, tình trạng ngập ở lưu vực Hàng Bàng, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm đã có diễn biến tốt hơn.
Khu vực Mễ Cốc (quận 8), chợ Thanh Đa (Bình Thạnh) được xóa ngập nhờ vận hành hệ thống máy bơm, song tình trạng ngập tại các huyện ngoại thành, vùng ven như: quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức… lại đến hồi báo động. Nếu không quan tâm giải quyết nghiêm túc từ bây giờ tình trạng ngập ở khu vực các quận vùng ven, ngoại thành thì chẳng bao lâu nữa khu vực ngoại thành cũng sẽ lâm vào cảnh ngập lụt triền miên như nội thành hiện nay.
Tại buổi báo cáo với lãnh đạo Thành ủy mới đây, Sở GTCC cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác xóa, giảm ngập trong thời gian qua tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được 2 mục tiêu cơ bản là xóa dần các điểm ngập nước hiện hữu (nhất là các điểm ngập do mưa tại lưu vực trung tâm) và chưa ngăn chặn được việc phát sinh các điểm ngập mới do quá trình phát triển đô thị hóa.
Dự báo trong thời gian tới, tình trạng ngập sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do thiếu cống, cống quá tải vì công tác duy tu nạo vét không tốt hoặc do thiết kế sai vì chọn lưu vực sai, không xét đến ảnh hưởng của thủy triều, đấu nối tùy tiện vào hệ thống cống hiện hữu; thi công sai về độ dốc, cao trình; thiếu kênh rạch thoát nước, mất vùng điều tiết nước, mất vùng đệm và hệ số chảy tràn gia tăng do việc san lấp, lấn chiếm kênh rạch, đặc biệt là quá trình đô thị hóa thiếu quản lý và không theo quy hoạch.
VÂN ANH
Mưa, triều cường làm sạt lở nhà dân dọc kênh Ba Bò (Thủ Đức) Đ.P. |