Ngày 7-12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề giáo dục (bạo lực học đường, gian lận trong thi cử), tình trạng vi phạm hàng lậu, hàng giả, giao thông, đô thị, đất đai… đã được các đại biểu đặt ra cho các giám đốc sở, ngành liên quan.
Trả lời đại biểu về tình trạng ngập nghẹt do mưa lũ, triều cường trên địa bàn nội ô Cần Thơ và những giải pháp khắc phục, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Trong 15 năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ ngập lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Từ năm 2002 đến 2007, theo thống kê, lũ và triều cường chủ yếu tác động đến khu vực sản xuất nông nghiệp. Năm 2007, đỉnh lũ cao thì đã bắt đầu tác động đến khu vực đô thị; trong đó có 29 điểm bị ngập.
Tại Ninh Kiều, đỉnh triều tháng 10-2018 đã có 62/63 tuyến đường quận ngập trong nước; nước gần như tràn tất cả các bờ trong khu vực nội đô với 107 điểm ngập, mức độ ngập sâu so với mặt đường 0,1 - 0,65m và ngập 2 - 4 tiếng; có 14 tuyến đường có mức độ ngập sâu 0,4 - 0,65m; trong đó nặng nhất là đường Mậu Thân 0,6m…
Nếu năm 2011 gọi đỉnh triều lịch sử của TP Cần Thơ (2,15m) thì so sánh cùng thời điểm này trên trạm Châu Đốc, mực nước đỉnh là 4,25-4,9m; tức là mức nước đầu nguồn có tác động trực tiếp đến thành phố. Năm 2018, mực nước của Cần Thơ 2,23m, tuy nhiên ở trạm Châu Đốc 3,3-3,6m. Và ngày 6-11-2018, mực nước theo dự báo là 2,05m nhưng thực tế chỉ đạt 1,59m.
Vấn đề quan trọng là mực nước ở thượng nguồn những năm về sau càng thấp, trong khi mực nước đô thị tại thành phố lại tăng lên. Sau khảo sát, có thể nhận thấy đê bao khép kín để bảo vệ sản xuất ở khu vực thượng nguồn có tác động đến hạ nguồn nhưng không có giải pháp phối hợp, điều tiết.
“Chẳng hạn mực nước tại nội đô Cần Thơ là 2,23m thì các khu vực đê bao ở thượng nguồn đều đóng hết. Từ đỉnh triều này, chúng ta dự báo sẽ có triều cường lớn hơn vào tháng kế tiếp nhưng nó không xảy ra, do các khu vực thượng nguồn đã gặt lúa xong và họ xả nước vào nội đồng. Như vậy, cần có cơ chế điều phối vùng và có sự phối hợp của các địa phương trong vùng. Vấn đề này cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong phối hợp sử dụng tài nguyên nước”, ông Mai Như Toàn cho biết.