Triển lãm mang tên “Con đường tơ lụa: Một lịch sử sống động”, kéo dài đến ngày 16-6, với hơn 160 bức ảnh giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc và đa dạng ở nhiều quốc gia như Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc...
Đây là kết quả sau cuộc rong ruổi của Christopher Wilton-Steer suốt 4 tháng, dọc mạng lưới các tuyến đường thương mại cổ đại trên đất liền, nối châu Á và châu Âu, qua 16 quốc gia. Trong 4 tháng, tác giả đã di chuyển bằng nhiều phương tiện, từ ô tô, xe buýt, xe lửa, phà cho đến ngựa và lạc đà.
Ý tưởng thực hiện hành trình Con đường tơ lụa đến với Wilton-Steer vào năm 2007, thời điểm anh đang sống và học - thực hành tiếng Quan Thoại ở Bắc Kinh. Cơ hội đến khi Wilton-Steer bắt đầu làm việc cho Quỹ Aga Khan, một tổ chức phi chính phủ chuyên cải thiện chất lượng cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên và nâng cao khả năng tự lực ở khu vực châu Phi, châu Á và Trung Đông.
Trong quá trình làm việc, Wilton-Steer thường đi đến các vùng Trung và Nam Á để chụp ảnh và ghi chép lại tư liệu cho công việc của tổ chức. Chính lúc đó, ý tưởng một cuộc triển lãm về Con đường tơ lụa đến với anh.
Anh chia sẻ: “Tôi tưởng tượng về cuộc triển lãm sẽ dẫn mọi người thực hiện hành trình qua những bức ảnh từ đầu này của cung đường Âu - Á, là London nơi tôi sống đến đầu kia là Bắc Kinh. Và trên hành trình này, họ có thể khám phá một số kỳ quan văn hóa của Con đường tơ lụa, tìm hiểu về lịch sử của nó và những mối liên hệ giữa các nền văn hóa khác nhau”.
Wilton-Steer đặc biệt say mê nghề thủ công truyền thống, vì vậy, anh cố gắng tìm kiếm các nghệ nhân và cộng đồng nghệ nhân ở bất cứ nơi nào anh đến. Câu chuyện đời, chuyện nghề của họ luôn mang đến những hiểu biết thú vị về lịch sử của một quốc gia hoặc khu vực.
Trong suốt cuộc hành trình, Wilton-Steer đã gặp gỡ hàng chục nghệ nhân, từ những thợ đóng xuồng gỗ gondola ở Venice (Italy), thợ làm đèn chiếu sáng ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đến những người thợ kim loại ở Isfahan (Iran), thợ gốm ở Samarkand (Uzbekistan), thợ mộc ở Baltistan (khu vực Kashmir) và những nghệ sĩ thư pháp ở Tây An (Trung Quốc).
Wilton-Steer hy vọng, từ bộ sưu tập ảnh của mình có thể giúp nâng cao nhận thức về di sản thủ công trong xã hội hiện đại, khi rất nhiều nghề thủ công truyền thống đang bị đe dọa do hàng hóa sản xuất hàng loạt, hoặc đơn giản thị hiếu bị thay đổi. Những hình ảnh Wilton-Steer gặp trên đường đi thường rất khác so với những gì anh đã tưởng tượng và trải nghiệm.
Do đại dịch Covid-19, nhiều phòng trưng bày, triển lãm nghệ thuật đã đóng cửa, nhưng Wilton-Steer hy vọng cuộc triển lãm ngoài trời này sẽ mang đến cho du khách thêm hiểu biết về chủ nghĩa thoát ly, cũng như khơi gợi sự tò mò về những nơi ít được biết đến trên thế giới. Từ đó, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối giữa những con người và nền văn hóa khác nhau dọc theo Con đường tơ lụa.